Đào tạo nghề nông thôn ở Hải Hậu

08:09, 21/09/2012

Trong 6 tháng đầu năm 2012, huyện Hải Hậu đã đào tạo nghề cho 3.144 lao động, truyền nghề cho trên 6.000 lao động, mở 131 lớp tập huấn cho 6.410 lao động; công nhận 18 làng nghề và 20 nghệ nhân. Để đạt được kết quả trên, huyện Hải Hậu đã triển khai thực hiện đồng bộ phương châm “4 có và 4 biết” (“4 có” là các địa phương có ban chỉ đạo với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015; có quy hoạch phát triển nhân lực; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương; có chương trình thông tin, tuyên truyền. “4 biết” là biết địa chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học xong nghề). Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Cụ thể là nhà quản lý có nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Nhà trường là các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; đào tạo xong có việc làm ổn định, thu nhập ổn định. Đối với nhà doanh nghiệp, đồng hành với lao động nông thôn trong quá trình tạo việc làm cho lao động nông thôn đã học nghề. Cụ thể như: Cty May Sông Hồng xây dựng dây chuyền sản xuất tại xã Hải Phương, đã thu hút trên 1.000 lao động địa phương vào làm việc. Thời gian tới, khi dây chuyền sản xuất của Cty hoàn thành đồng bộ sẽ tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động. Cty Đầu tư phát triển Hải Đường thu hút trên 400 lao động với thu nhập ổn định trên 2 triệu đồng/người/tháng. Cty May Đạt Thành thu hút trên 200 lao động với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long (từ Cty CP công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh), ngay sau khi tái lập đã ổn định sản xuất, bàn giao tàu chở hàng 12.500 tấn; hợp đồng đóng mới 1 tàu 12.500 tấn, 1 tàu hàng 4.300 tấn và 4 tàu cá, tạo việc làm cho trên 500 công nhân với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc thực hiện có hiệu quả việc liên kết “4 nhà” trong phát triển ngành nghề nông thôn, huyện Hải Hậu còn triển khai thành công các nội dung trong Đề án 1956 với sự “vào cuộc” của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị ở các xã, thị trấn. Triển khai thực hiện đề án, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân. Căn cứ nhu cầu thị trường lao động, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề hàn điện, may công nghiệp, đan, thêu, móc có nhu cầu cao trong thị trường lao động. Từ đặc thù lao động ở khu vực nông thôn, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Xã Hải Phương phát triển nghề may góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Xã Hải Phương phát triển nghề may góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án 1956, trong Đề án xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015, huyện Hải Hậu đề ra mục tiêu đến năm 2015 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề, gồm các làng nghề: may, chế biến và sản xuất đồ gỗ dân dụng, mây tre đan, cán kéo và dệt lưới sợi PE, dệt chiếu, làm bánh kẹo, chế biến thuỷ sản, đan bẹ chuối, thảm cói, móc sợi, đan lưới đánh cá, cây cảnh, trồng hoa. Tính đến tháng 8-2012, toàn huyện có 18 làng nghề được công nhận, bảo đảm theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Tiêu biểu như xóm 8, xã Hải Sơn năm 2011 được UBND huyện công nhận làng nghề cây cảnh. Trong xóm có 80% gia đình trồng cây cảnh, có 160 lao động chuyên làm cây cảnh, chiếm trên 60% tổng số lao động trong xóm. Nhiều lao động trong xóm còn đi các địa phương khác làm cây cảnh, có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Xóm Mỹ Hòa, xã Hải Hưng hiện có 50% các hộ tham gia buôn bán kinh doanh, dịch vụ, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, may công nghiệp,… đã thu hút hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Với cách làm sáng tạo, Hải Hậu là một trong những địa phương đang đi đúng hướng trong công tác phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện thành công Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo tiền đề quan trọng để huyện đạt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2015./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com