Vụ Bản phát triển CN-TTCN bền vững

08:09, 25/09/2012

Chín tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Vụ Bản ước đạt 154,2 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 25% so cùng kỳ năm 2011, đạt 78% kế hoạch năm 2012. Trong đó khu vực doanh nghiệp ước đạt 32,7 tỷ đồng, tăng 20%; hộ cá thể đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2011.

Sản xuất cơ khí cán dập thép tại doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Hùng ở xóm Đồng, xã Quang Trung.
Sản xuất cơ khí cán dập thép tại doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Hùng ở xóm Đồng, xã Quang Trung.

Với quyết tâm phát triển CN-TTCN bền vững, những năm qua huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề, có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề... Huyện tập trung phát triển công nghiệp cơ khí làm trọng tâm, đồng thời khuyến khích phát triển các nghề mây, tre đan, đồ sơn mài gia dụng, dệt may, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo hướng liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ cho Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên. Các địa phương chưa có nghề chủ động đưa các nghề mới phù hợp với khả năng, thế mạnh phát triển của địa phương. Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây tre đan... theo phương thức ngắn ngày để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ sung kỹ thuật mới cho công nhân. Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức 2 lớp dạy nghề đan túi sợi ni-lon, may công nghiệp cho hơn 80 lượt người ở các xã: Minh Thuận, Hiển Khánh. Hiện nay, cả 2 CCN Quang Trung và Trung Thành của huyện đều duy trì phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Xã Quang Trung hiện có 342/798 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng kim khí cầm tay như búa, dũa, xà beng,… tập trung ở thôn Giáp Nhất với mức thu nhập từ 80-350 nghìn đồng/người/ngày. Xã đã đầu tư xây dựng thêm 4 trạm biến áp và cải tạo 15km đường dây hạ thế, hoàn thiện lưới điện tạo nguồn điện ổn định cho các hộ sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của xã ước đạt 15 tỷ đồng bằng 68% kế hoạch năm, dự kiến cả năm 2012 đạt 22 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ cho các hộ đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, xã đã tạo điều kiện cho các hộ vay hơn 3 tỷ đồng từ Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH. Nhờ đó, các hộ đã đầu tư 128 chiếc búa hơi, 17 máy băm, 9 máy đột dập, 21 máy cán thép giúp các hộ sản xuất đa dạng các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, xã còn phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất cơ khí, chủ yếu là nguyên liệu sắt thép. Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Tùng của anh Bùi Việt Hùng ở xóm Đồng, xã Quang Trung hiện có 3 máy cán thép, 1 máy đột dập, máy búa rèn phôi, máy tiện các loại cùng với 20 công nhân lành nghề, với thu nhập trung bình 150 nghìn đồng/người/ngày và được nghỉ ngày chủ nhật. Mỗi tháng, doanh nghiệp của anh xuất xưởng hơn 100 tấn thép cán các loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất cơ khí của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã và thị trường lân cận như xưởng cơ khí chính xác Nhất Hưng (TP Nam Định), Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng (Ý Yên). Hiện tại, CCN Trung Thành có quy mô 5,9ha đã xây dựng xong hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước sạch. CCN đã có 9 nhà đầu tư đăng ký, lấp đầy 100% diện tích. Trong đó có 8 nhà đầu tư đã bắt đầu sản xuất với các ngành nghề: Sản xuất đồ mộc dân dụng, cơ khí, may công nghiệp. Anh Trần Quang Trường, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Hồng Hải cho biết: “Được xã tạo điều kiện, Cty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng với tổng diện tích 1ha. Hằng năm doanh thu của Cty đạt hơn 20 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hơn 30 công nhân với mức thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng”. Chủ động khắc phục khó khăn, Cty đã mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ sang sản xuất các đồ gỗ gia dụng như bàn ghế, tủ, cửa, hướng đến số đông người tiêu dùng, đồng thời tìm kiếm các đơn hàng tiêu thụ lớn tại các cơ quan, công sở. Tại các xã Liên Minh, Vĩnh Hào, do khó khăn về thị trường tiêu thụ mặt hàng mây, tre đan, các hộ đã dần chuyển đổi sang mặt hàng sơn mài gia công cho các làng nghề của huyện Ý Yên, đồng thời từng bước cải tiến mẫu mã các sản phẩm, phục dựng chất liệu sơn ta truyền thống sản xuất đồ thờ. Hai cơ sở sản xuất gạch tuynel trên địa bàn huyện là Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Vinh và Cty Gạch ngói Vạn Xuân đều phát triển tốt với công suất đạt 40 triệu viên/năm. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đều định hướng phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng. Trong 9 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất vật liệu xây dựng của toàn huyện ước đạt 12 tỷ 500 triệu đồng. Tại các xã Minh Tân, Tân Khánh, Minh Thuận, Đại Thắng đều đã xây dựng được các cơ sở may công nghiệp gia công, trung bình mỗi cơ sở tạo việc làm cho 50-100 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các sản phẩm tiêu dùng nội địa, định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ cho các trung tâm công nghiệp lớn là một chủ trương đúng đắn của huyện Vụ Bản đảm bảo phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com