Vì sao nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm cây lúa?

08:09, 10/09/2012

Bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa là một chính sách với nhiều ưu việt dành cho các hộ tham gia. Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai thí điểm tại 3 huyện Hải Hậu, Trực Ninh và Vụ Bản của tỉnh, đến nay tỷ lệ các hộ tham gia thấp, chỉ chiếm 7,7% tổng số hộ với 7,1% tổng diện tích trồng lúa của 3 huyện.

Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) cấy lúa mùa năm 2012.
Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) cấy lúa mùa năm 2012.

Thực hiện Quyết định số 315 ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chọn 3 huyện Vụ Bản, Trực Ninh và Hải Hậu triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa giai đoạn 2011-2013 và chọn Tổng Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh là đơn vị trực tiếp cùng với Ban chỉ đạo (BCĐ) của tỉnh, 3 huyện và 72 xã, thị trấn triển khai bảo hiểm cây lúa cho các hộ nông dân. Tham gia bảo hiểm cây lúa, nếu xảy ra thiên tai, dịch hại, các hộ nông dân sẽ được Tổng Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh, trực tiếp là Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định chi trả 100% giá trị năng suất lúa theo hợp đồng bằng tiền mặt (tính theo giá lúa hiện hành trên thị trường). Đối với các hộ tham gia mức phí bảo hiểm là 5,23% năng suất lúa với giá hiện hành nhưng Nhà nước đã hỗ trợ phần lớn số phí bảo hiểm mà các hộ phải nộp. Cụ thể, đối với hộ thuộc diện hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm; với hộ cận nghèo Nhà nước hỗ trợ 80% phí bảo hiểm; với các hộ không thuộc 2 diện trên Nhà nước hỗ trợ 60% phí bảo hiểm. Để chỉ đạo triển khai hiệu quả, ngoài việc thành lập BCĐ của tỉnh, ở 3 huyện và 72 xã, thị trấn, UBND tỉnh giao cho các Sở: NN và PTNT, Tài chính, LĐ-TB và XH phối hợp triển khai việc thống kê diện tích sản xuất lúa; số lượng các xã, thị trấn trồng lúa, các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp sản xuất lúa tại 3 huyện làm điểm. UBND tỉnh và BCĐ của tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể; giao cho các sở, ban, ngành có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về mục tiêu, nội dung, quy trình và các yêu cầu của việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa. Tại 72 xã, thị trấn thuộc 3 huyện làm điểm đã tích cực triển khai thực hiện như: thống kê diện tích trồng lúa của các nhóm đối tượng tham gia; số liệu năng suất lúa vụ xuân, vụ mùa trong 3 năm gần đây (từ năm 2009 đến năm 2011) của từng xã, thị trấn để làm cơ sở tính phí bảo hiểm. Ở 72 xã, thị trấn của 3 huyện làm điểm đã giới thiệu cho Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh 107 đại lý bảo hiểm cây lúa là các HTXNN và 1.217 đại diện chủ hợp đồng bảo hiểm là các thôn, đội trưởng. Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định ngoài việc chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND 3 huyện, 72 xã, thị trấn làm điểm để triển khai, đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của các xã, thị trấn làm điểm và mở 3 lớp đào tạo cho 107 đại lý; 3 lớp tập huấn cho 1.217 chủ hợp đồng; in ấn 340 nghìn tờ rơi, phát hành 170 nghìn phiếu yêu cầu bảo hiểm đến tận các hộ nông dân… Tuy nhiên đến ngày 8-6-2012, Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định mới tổ chức ký được 962 hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với 12.387 hộ trồng lúa (bằng 7,7% tổng số hộ trồng lúa của 3 huyện) với 1.906ha/vụ (bằng 7,1% tổng diện tích lúa của 3 huyện làm điểm); trong đó có 12.018 hộ nghèo, 353 hộ cận nghèo. Tổng phí bảo hiểm năm 2012 là 5.970,3 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5.934,2 triệu đồng. Trong đó, huyện Hải Hậu có 31/33 xã, thị trấn tham gia, đã ký kết 479 hợp đồng bảo hiểm cho 6.355 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo và 13 hộ khác; huyện Trực Ninh có 21/21 xã, thị trấn tham gia, đã ký kết 346 hợp đồng bảo hiểm cho 4.459 hộ nghèo, 254 hộ cận nghèo và 3 hộ khác; huyện Vụ Bản có 13/18 xã, thị trấn tham gia, đã ký kết 137 hợp đồng bảo hiểm cho 1.204 hộ nghèo và một hộ cận nghèo.

Qua kết quả tham gia bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa tại 3 huyện làm điểm cho thấy nông dân chưa thực sự hào hứng với chủ trương này. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền về việc bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa chưa đúng tầm. Đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm, nhiều người cho rằng Bộ Tài chính đưa ra mức thu phí bảo hiểm cây lúa 5,23% năng suất là quá cao. Theo tính toán của Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định mức phí bảo hiểm cây lúa cho các đối tượng tham gia ở cả 2 vụ của 72 xã, thị trấn làm điểm là 110.139 đồng/sào/năm 2012; trong đó vụ xuân là 64.375 đồng/sào, vụ mùa là 45.764 đồng/sào; mức phí này cao hơn nhiều so với tổng giá dịch vụ của HTXNN (dịch vụ nước, dịch vụ bảo vệ đồng ruộng, dịch vụ đưa tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ diệt chuột…) thu trong 1 năm. Người nông dân chưa hiểu cách thức bảo hiểm đối với cây lúa, với 1 hộ diện tích cấy lúa không nhiều, chỉ vài sào đến 1 mẫu nếu xảy ra dịch hại cục bộ có được chi trả không (?). Phạm vi bảo hiểm quá hẹp ngoài thiên tai thì dịch hại chỉ là vàng lùn, lùn soắn lá, lùn sọc đen, rầy nâu… đối tượng này cũng ít xảy ra. Các dịch hại khác như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, đạo ôn cổ bông, chuột, ốc bươu vàng… ảnh hưởng đến năng suất lúa, thì có được chi trả bảo hiểm không (?). Nếu dịch hại trên cây lúa phải được UBND tỉnh công bố dịch mới được bảo hiểm chi trả mà tỷ lệ dịch hại, số phần trăm diện tích bị dịch hại… để UBND tỉnh công bố đã theo pháp luật. Khi tỷ lệ dịch hại chưa đến mức được chi trả, thiệt hại cục bộ Cty bảo hiểm có chi trả không (?). Và đơn vị nào thống kê, xác định, hoàn chỉnh hồ sơ chi trả… Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BNN xã Hải Tân (Hải Hậu) cho biết: Xã đã tuyên truyền sâu rộng về việc bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa nhưng các hộ dân vẫn chưa hào hứng tham gia. Riêng với hộ nghèo do được Nhà nước hỗ trợ 100% khi tham gia bảo hiểm cây lúa nên 100% đối tượng này đều đăng ký tham gia. Các đối tượng khác xã đang tiếp tục vận động… Anh Nguyễn Mạnh Chư, đại lý bảo hiểm cây lúa xã Trực Chính (Trực Ninh) cho biết: Chế độ cho các đại lý khi tham gia bảo hiểm, Cty bảo hiểm cũng chưa quan tâm. Cán bộ cơ sở tham gia thống kê vận động, tổ chức tập huấn vẫn chưa được hưởng chế độ công tác phí…

Chủ trương mới nhưng những người trong cuộc vẫn còn băn khoăn, chưa thông suốt… Làm thế nào để các hộ sản xuất lúa yên tâm và tự nguyện đến với bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa?

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com