Trực Ninh phát triển kinh tế trang trại, gia trại

07:09, 13/09/2012

Những năm gần đây, huyện Trực Ninh tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại. Toàn huyện hiện có 572 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp, nuôi thủy sản với thu nhập thực tế đạt từ 80 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 3 trang trại có doanh thu trên 2 tỷ đồng, 14 gia trại có doanh thu từ 1,1-1,6 tỷ đồng, 3 gia trại có doanh thu từ 700-900 triệu đồng/năm.

Trang trại tổng hợp của anh Hoàng Văn Giảng, xóm 3, khu Sủng Đông, xã Trực Đạo.
Trang trại tổng hợp của anh Hoàng Văn Giảng, xóm 3, khu Sủng Đông, xã Trực Đạo.

Đầu năm 2007, được xã tạo điều kiện, anh Nguyễn Văn Dương, xóm 3, xã Trực Đạo đã nhận thầu 2,5ha ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả tại cánh đồng Sủng Đông để phát triển kinh tế trang trại. Ngay sau khi nhận đất, anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công cải tạo, quy hoạch khu đất thành 7 ao thả cá với tổng diện tích mặt nước trên 3,5 mẫu. Trên bờ anh xây 3 dãy chuồng nuôi lợn với tổng diện tích trên 350m2. Đàn vịt siêu trứng thường xuyên được duy trì với số lượng 400-500 con, mỗi tháng thu trên 1 vạn quả trứng, có nguồn thu từ 22-25 triệu đồng. Hiện nay, trang trại của anh có 34 con lợn nái, 250 con lợn thịt nuôi theo hình thức gối sóng. Bình quân mỗi năm, trang trại của anh xuất bán được từ 24-27 tấn cá, 160-170 tấn thịt lợn hơi. Năm 2011, tổng doanh thu của trang trại đạt 2,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, thu nhập thực tế đạt trên 400 triệu đồng. Liền kề trang trại của anh Dương là trang trại của anh Hoàng Văn Giảng có tổng diện tích 3,1ha. Cũng với mô hình chăn nuôi lợn, vịt siêu trứng, cá, năm 2011, tổng doanh thu từ trang trại của anh đạt gần 2,5 tỷ đồng, thu nhập thực tế đạt trên 400 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Trực Đạo cho biết: Ngoài khu chuyển đổi Sủng Đông, trên địa bàn xã có khoảng 20 gia trại tổng hợp đang hoạt động ổn định với mức thu nhập thực tế từ 80-100 triệu đồng/năm. Trong năm 2012, xã sẽ hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa và tiếp tục quy hoạch khu phát triển trang trại, gia trại tổng hợp, nuôi thủy sản rộng hơn 43ha.

Đến nay phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở huyện Trực Ninh đã mở rộng ra nhiều xã, thị trấn như: Trực Mỹ, Trực Chính, Việt Hùng, Trực Khang, Trực Thái, Trực Thanh, Cổ Lễ... Theo số liệu của UBND huyện, trung bình mỗi xã có từ 20-25 gia trại chăn nuôi tổng hợp hoặc chăn nuôi kết hợp nuôi thủy sản đang sản xuất kinh doanh ổn định. Định kỳ hằng tháng, hằng quý và những thời điểm giao mùa, huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT và các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nên đàn gia súc, gia cầm của các trang trại trong huyện không mắc bệnh dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của huyện thường đạt trên 14 nghìn tấn/năm. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Trực Ninh đã hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Trực Khang… với tổng diện tích 1.056ha. Cùng với nuôi các loại cá truyền thống, những nơi có kinh nghiệm, có điều kiện tưới tiêu nước thuận lợi còn tổ chức nuôi các con giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá diêu hồng, cá chép V1, cá lóc bông… Các xã có vùng nuôi thủy sản đã chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi, tổ chức cung ứng giống, phòng ngừa dịch bệnh cho con nuôi; tổ chức tập huấn, tích cực chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người nuôi; thực hiện liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để tiếp thu các kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất. Xã Trực Mỹ đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tại vùng trũng hoặc diện tích đất bãi ven sông Ninh Cơ với tổng diện tích gần 40ha. Các hộ được tạo điều kiện đấu thầu phần diện tích đất bãi lâu dài, đủ để xây dựng các trang trại, gia trại tổng hợp gồm nuôi lợn, thả cá, kết hợp với làm vườn. Nhiều hộ chăn nuôi hiệu quả, có thu nhập thực tế trên 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Mai Minh Đoan đội 9; Vũ Văn Tân đội 12; Vũ Văn Lê, xóm Đội… Đặc biệt, khu nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi tại bãi Ấp Bắc, trong năm 2011 có 4 hộ đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm là hộ các ông: Vũ Văn Thành, Ngô Minh Chiến, Vũ Văn Luân, Vũ Ngọc Tân. Vùng nuôi thủy sản xã Trực Chính ở ngoài bãi sông Hồng đã hình thành hàng chục trang trại, gia trại nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hộ đều đầu tư quy hoạch ao nuôi, hệ thống chuồng trại bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn nước sạch nên nhiều năm nay không có dịch bệnh xảy ra. Xã Trực Chính có 4 gia trại của các ông: Mai Văn Nghiêm, Đỗ Văn An, Mai Văn Chiến, Nguyễn Tuấn Long, có tổng doanh thu từ 1,1-1,5 tỷ đồng/năm, thực tế thu nhập trên 200 triệu đồng/năm…

Để các trang trại, gia trại phát triển bền vững, huyện Trực Ninh chủ trương tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm; trong đó ưu tiên phát triển đàn lợn ngoại, lợn sữa để có sản phẩm tham gia xuất khẩu, phát triển các loại con nuôi đặc sản như: nhím, thỏ, cá sấu, dê... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từng bước chuyển dần chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản đạt 485 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 3%/năm, trong đó mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 1.200ha, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 16.500 tấn, mỗi xã, thị trấn có từ 3-5 trang trại theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com