Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh với nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) chất lượng cao khá dồi dào, gồm trên 1.000 nhà quản lý doanh nghiệp, kỹ sư, công nhân bậc cao, những năm qua, Thành phố Nam Định đã triển khai sâu rộng phong trào nghiên cứu khoa học trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong năm 2011, trên địa bàn thành phố đã có 20 dự án đổi mới công nghệ với tổng vốn đầu tư trên 115 tỷ đồng. Tiêu biểu là Cty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Anh, Cty Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cty CP Mỹ nghệ nội thất Nam Hà...
Chăm sóc hoa đồng tiền trồng trong nhà lưới tại xóm Phụ Long, xã Nam Phong (TP Nam Định). |
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Nam Định vẫn tập trung đầu tư mới trang thiết bị, dây chuyền công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cty TNHH Tuệ và Tâm đã đầu tư 60 tỷ đồng đưa dây chuyền sản xuất bao bì, bìa catton và giấy Crap vào sản xuất. Cty Phúc Thanh chuyên chế tạo kim loại, sản xuất cơ khí đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất tôn PU 3 lớp chống nhiệt và cách âm. Ngay trong giai đoạn đầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty đã tăng trưởng 10% so với trước đây. Cty CP Vina - HTC chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đầu tư mới dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn gia súc trị giá trên 13 tỷ đồng tại CCN An Xá. Đây là nhà máy đầu tiên của tỉnh ta áp dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch do Viện Vi sinh vật (Bộ KH và CN), Sở KH và CN, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Với dây chuyền khép kín từ sản xuất nguyên liệu, chế biến thức ăn, tổ chức nuôi thử nghiệm, tư vấn kỹ thuật và chăm sóc khách hàng…, Cty cam kết cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, an toàn, phục vụ ngành chăn nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp, Thành phố Nam Định đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, trong đó tập trung cải tạo đất nghèo dinh dưỡng để trồng hoa cây cảnh công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ đầu năm 2012 đến nay, Thành phố Nam Định có 116 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và 2 đề tài khoa học được triển khai. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức thành công phong trào phát huy sáng kiến góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, với 24 sáng kiến được áp dụng vào thực tế như: "Một số biện pháp tổ chức giáo dục bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cho trẻ trong trường mầm non" của Trường Mầm non 8-3; "Xanh hoá trường học và nâng cao ý thức về môi trường xanh - sạch - đẹp" của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân... Cùng với đổi mới đầu tư công nghệ, thành phố phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điểm nổi bật trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Thành phố Nam Định là đã huy động được tất cả các ngành, các doanh nghiệp và các phòng, ban chuyên môn tích cực tham gia phong trào. Hội đồng KHCN thành phố có cơ chế hỗ trợ kinh phí và tổ chức tập huấn cách viết đề tài sáng kiến cho từng lĩnh vực. Do đó, chất lượng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngày càng được nâng lên bảo đảm tính mới, tính sáng tạo và đạt hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như: Giải pháp “Phương án phân luồng giao thông phù hợp với tình hình phát triển đô thị tại Thành phố Nam Định”; giải pháp “Ứng dụng công nghệ Canada trong quản lý đất đai” và giải pháp “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh số nhà tại Thành phố Nam Định”… do Phòng Quản lý đô thị thành phố thực hiện; giải pháp “Kinh nghiệm giảng dạy các bài tập phát triển tính diện tích hình học lớp 4” của tác giả Trần Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái…
Hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án “Phát triển KHCN Thành phố Nam Định trở thành trung tâm KHCN vùng Nam đồng bằng sông Hồng”. Đề án do Phòng Kinh tế thành phố chủ trì thực hiện. Nội dung của Đề án là tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực kinh tế, khoa học xã hội nhân văn, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố như cơ khí, dệt may, chế biến thủy hải sản, lương thực, thực phẩm và thương mại dịch vụ. Trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KHCN gắn với tạo cơ chế chính sách phát triển KHCN. Đề án sẽ tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội; góp phần xây dựng Thành phố Nam Định xứng đáng với vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Quyết định 109 của Thủ tướng Chính phủ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương