Tân Khánh phát triển kinh tế trang trại

07:09, 20/09/2012

Những năm gần đây, cùng với việc tập trung chỉ đạo nhân dân trong xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy, UBND xã Tân Khánh (Vụ Bản) đã quy hoạch và chuyển đổi được hơn 16ha diện tích vùng đất trũng ven đê sông Sắt cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình gia trại, trang trại tổng hợp.

Trang trại nuôi cá nhà anh Phạm Đức Thuần thôn Phong Cốc, xã Tân Khánh mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Trang trại nuôi cá nhà anh Phạm Đức Thuần thôn Phong Cốc, xã Tân Khánh mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Với lợi thế ven sông Sắt, gần nguồn nước sạch lại xa khu dân cư, thuận lợi cho việc nuôi thủy sản, nên xã đã khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại. UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của các ngân hàng: NN và PTNT, CSXH để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2011, tổng thu nhập từ chăn nuôi và nuôi thủy sản trong xã đạt 20,6 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng giá trị thu nhập của xã. Hiện toàn xã có 53 hộ xây dựng kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại, tiêu biểu như hộ các ông: Phạm Văn Khánh, Ngô Văn Mạnh (thôn Bàn Kết), Trần Bá Khiều (thôn Hạ Xá)… Anh Phạm Đức Thuần (thôn Phong Cốc) đấu thầu 4ha khu cánh đồng Rặng Sậy, đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng hệ thống ao nuôi các loại cá truyền thống, cá rô phi đầu vuông và cá cảnh. Về cá cảnh anh đang nuôi cá chép vàng đuôi dài và cá vàng 4 đuôi. Do nắm được "bí quyết" lai phối màu cho cá nên cá cảnh đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Năm 2011, anh Thuần đã xuất bán được 4 tấn cá cảnh với giá 100 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn ươm cá trắm đen giống mỗi năm xuất bán từ 3-4 tấn với giá 70-80 nghìn đồng/kg. Hằng năm, trang trại cá cho gia đình anh Thuần thu nhập trên 300 triệu đồng. Hiện anh đang đầu tư 300 triệu đồng làm chuồng để tổ chức chăn nuôi vịt, lợn. Trang trại của anh Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết, ngoài hệ thống ao rộng gần 10 nghìn m2 nuôi cá trắm đen, anh còn đầu tư xây hệ thống chuồng nuôi lợn, gà, vịt và trồng bưởi Diễn. Về kinh nghiệm nuôi cá trắm đen, anh Say cho biết: Cá trắm đen cần nhiều lượng ôxy hơn một số giống cá khác nên hằng tuần, anh phải bơm nước từ sông vào, duy trì mực nước cao khoảng 2m để tăng lượng ôxy trong ao nuôi, đồng thời định kỳ 10-15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học, vôi bột để khử trùng nguồn nước. Thức ăn của cá trắm đen chủ yếu là ốc bươu vàng, ngoài ra, bổ sung cám công nghiệp, don, dắt biển… Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đàn cá của gia đình anh ít bị bệnh, lớn nhanh, sau một năm có thể đạt hơn 1kg/con. Vào mùa thu hoạch, nhiều thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng về tận trang trại của anh để mua. Mỗi năm anh Say xuất bán 3-4 tấn cá trắm đen với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh những hộ nuôi thủy sản, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn như hộ các ông: Ngô Văn Tài (thôn Bàn Kết) nuôi 2.000 con ngan đẻ; Trần Viết Toàn (thôn Hạ Xá) mỗi lứa nuôi 100 con lợn… Nhiều hộ nông dân ở xã Tân Khánh còn tận dụng cỏ mọc tự nhiên ở ven đê, ven đường để nuôi trâu thịt. Hiện nay tổng đàn trâu của xã gần 300 con; nhiều hộ nuôi từ 10-20 con trâu thịt như các ông: Đặng Văn Nam (thôn Phong Cốc), Phan Văn Lương (thôn Việt An)…

Thời gian tới, xã Tân Khánh tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, tiếp tục quy hoạch các vùng để phát triển kinh tế; trong đó tiếp tục mở rộng diện tích phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Xã phấn đấu năm 2012 tổng giá trị thu nhập của xã đạt 135 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 20,3 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Trần Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com