Nghĩa Hưng tập trung chỉnh trang đồng ruộng, phát triển sản xuất

05:09, 15/09/2012

Huyện Nghĩa Hưng hiện có hơn 16.651ha đất nông nghiệp; trong đó có 10.683ha đất trồng lúa, 432ha đất màu, 2.660ha đất nuôi thủy sản. Thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2011, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng đề án DĐĐT và chọn 10 xã, thị trấn làm điểm để thực hiện. Sau 5 tháng triển khai (từ tháng 7 đến 31-12-2011), các xã, thị trấn đã cơ bản hoàn thành việc giao đất tại thực địa theo phương án đã được thống nhất; các mục tiêu chủ yếu trong công tác DĐĐT đất nông nghiệp đều đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp còn hơn 3.997ha, gồm 31.147 thửa, giảm 13.262 thửa. Trong đó, đất giao ổn định là 3.689ha, gồm 29.400 thửa, giảm 12.349 thửa; đất công là hơn 308ha, gồm 1.747 thửa, giảm 913 thửa. Số thửa trước DĐĐT bình quân là 2,37 thửa/hộ, sau DĐĐT chỉ còn 1,47 thửa/hộ, giảm 0,9 thửa/hộ. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đồng chí Trần Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: Trước đây bình quân mỗi hộ nông dân của xã có 1,99 thửa, có hộ 2-3 thửa. Diện tích nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn trong việc triển khai cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và khó tạo dựng mô hình sản xuất theo vùng chuyên canh với các giống cây trồng có năng suất và giá trị thương phẩm cao. Sau khi thực hiện thành công việc DĐĐT, số thửa bình quân toàn xã chỉ còn 1,36 thửa/hộ. Nhờ đó, đến nay, xã Nghĩa Hồng đã quy hoạch được vùng sản xuất vụ đông rộng 115ha, vùng sản xuất lúa bảo đảm an toàn lương thực là 408ha, vùng chuyển đổi là 18ha, đồng thời đã vận động nhân dân đóng góp trên 150 nghìn m2 đất để làm đường ra đồng và hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.

Ảnh minh hoạ.Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ.Nguồn Internet

Cùng với việc DĐĐT, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; trong đó, đã quy hoạch và mở rộng 211ha diện tích cây vụ đông cả trên đất màu và đất 2 vụ lúa, tập trung ở xã Nghĩa Bình và Thị trấn Quỹ Nhất; xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Nghĩa Thịnh; mở rộng diện tích gieo sạ hàng tại các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình; đầu tư mua sắm công cụ, cơ giới hóa khâu làm đất, chỉnh trang đồng ruộng. Đến nay, các địa phương xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã mua mới 40 máy kéo lớn, 5 máy gặt đập liên hợp và trên 200 công cụ sạ hàng. Thu nhập bình quân đầu người của các địa phương xây dựng NTM đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Riêng xã Nghĩa Sơn và Thị trấn Quỹ Nhất đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của tỉnh. Tổng thu nhập trên 1ha canh tác của các đơn vị xây dựng NTM đạt trên 104 triệu đồng/ha, tăng 6% so với mức bình quân của huyện (98,2 triệu đồng/ha). Xã Nghĩa Thịnh có tổng diện tích canh tác gần 532ha, đến nay xã đã hoàn thành công tác DĐĐT, với bình quân 1,5 thửa/hộ, qua đó, toàn xã đã hình thành được 15ha quỹ đất công ích, tạo thuận lợi để xã thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Vụ xuân năm 2012, xã Nghĩa Thịnh đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 100ha. Việc sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đã thực hiện theo phương thức 3 cùng: cùng trà, cùng 1 loại giống và cùng phương pháp gieo sạ hàng nên đã giảm được 60% công lao động, giảm lượng thóc giống, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm gần 30% so với phương pháp cấy truyền thống. Việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch vừa nhanh, ít rơi vãi, vừa tận dụng được rơm rạ giúp cải tạo đất… tạo thuận lợi cho triển khai sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất. Vụ mùa năm 2012, xã Nghĩa Thịnh tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ hàng với 76% tổng diện tích gieo cấy của xã. Theo đánh giá, bước đầu mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Nghĩa Thịnh đã cho kết quả tích cực: giảm chi phí đầu vào, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng và các vùng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Đặc biệt mô hình cánh đồng mẫu lớn đã làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp không theo quy hoạch, kế hoạch sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ KH-KT và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất.

Việc tập trung DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng là điều kiện tiên quyết để huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com