Xã Minh Tân (Vụ Bản) có 494ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích đất canh tác nằm xen kẽ với đất thổ cư, ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún. Trước đây số hộ có từ 3-4 thửa chiếm tới 77,3%; cá biệt có hộ có 5 thửa, rải rác ở nhiều xứ đồng khác nhau, ảnh hưởng lớn tới việc quản lý, tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Năm 2011, được huyện Vụ Bản chọn làm điểm công tác DĐĐT, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân xác định làm tốt công tác DĐĐT sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Triển khai thực hiện công tác DĐĐT, bên cạnh thuận lợi do đã có quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch phát triển sản xuất, xã còn gặp không ít khó khăn, trong đó nổi lên là việc thống nhất phương án DĐĐT trong dân và tỷ lệ đóng góp đất làm giao thông, thủy lợi nội đồng… Để giải quyết vấn đề này, Ban chỉ đạo DĐĐT của xã đã tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng thực hiện DĐĐT cho các thành viên. Đồng thời thống nhất phương án DĐĐT của xã trên cơ sở giữ nguyên định suất về số nhân khẩu và đất như trước đây; chuyển đổi các khu ruộng trũng và xấu sang phát triển kinh tế theo mô hình VAC… trên cơ sở tuân thủ các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban chỉ đạo DĐĐT thống nhất trong nhân dân về diện tích đất góp làm giao thông thủy lợi nội đồng là 18m2/sào; đất gieo mạ được quy hoạch gọn vào một vùng. Trên cơ sở đó, tổ công tác DĐĐT ở các thôn, đội triển khai, xây dựng các phương án giao ruộng ngoài thực địa, kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tại thôn, đội và tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương và lợi ích của việc DĐĐT để dân hiểu, tự giác thực hiện. Mặc dù đồng thuận với chủ trương chung nhưng một số hộ dân vẫn còn băn khoăn vấn đề ruộng xấu, ruộng tốt, ruộng xa, ruộng gần… Để giải quyết vấn đề này, Ban chỉ đạo DĐĐT xã đã xây dựng một số cơ chế khuyến khích trong việc khoán quản và phát động tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc nhận ruộng xa. Nhờ vậy, sau 2 tháng triển khai, xã đã hoàn thành việc DĐĐT và tiến hành giao ruộng ngoài thực địa để nhân dân tổ chức sản xuất vụ xuân năm 2012. Sau DĐĐT, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,61 thửa; số hộ có 1 thửa chiếm trên 40% tổng số hộ. Toàn bộ đất nông nghiệp của xã được quy hoạch thành 3 vùng sản xuất chính gồm vùng sản xuất lúa đảm bảo an toàn lương thực với diện tích gần 95,4ha; vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại, gia trại với diện tích 11,6ha và quỹ đất công phục vụ cho xây dựng nhà văn hóa; đường giao thông, nghĩa trang nhân dân… với diện tích gần 6,6ha. Nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến gần 20ha đất làm giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Cùng với DĐĐT, xã đã củng cố lại hệ thống kênh mương, ấp trúc đường giao thông nội đồng và từng bước thực hiện kiên cố hóa. Trong 2 năm 2011, 2012, xã đã đào đắp được 57.445m kênh mương với khối lượng trên 50 nghìn m3 và bê tông hóa 4km đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Ngay sau DĐĐT, nhân dân trong xã phấn khởi triển khai sản xuất theo quy hoạch mới. Chị Hoàng Thị Tho, thôn Tân Lập cho biết: Trước đây gia đình tôi có 1 mẫu ruộng nhưng phân bổ thành 5 mảnh ở 2 xứ đồng khác nhau nên rất tốn công chăm sóc, bảo vệ lúa, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng hạn chế. Đến nay sau khi DĐĐT, toàn bộ diện tích của gia đình tôi được dồn vào 2 mảnh ruộng nên thuận lợi trong việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật mới vào canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ảnh: Internet |
Đồng ruộng được quy hoạch gọn gàng, liền bờ, liền thửa, hệ thống tưới tiêu nước được củng cố, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa… Theo thống kê của Ban nông nghiệp xã, trong vụ xuân năm 2012 chi phí công lao động đã giảm 50-60% so với trước đây, đồng thời năng suất, sản lượng lương thực tăng 7-9% so với vụ xuân năm 2011. Đặc biệt, xã có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cho Cty Giống cây trồng Nam Định, Cty CP Giống cây trồng Miền Nam và trình diễn các giống lúa mới chất lượng cao như ZX 218, Nam Ưu 604, Nam Ưu 204. Chuẩn bị sản xuất vụ đông 2012, ngoài những cây vụ đông truyền thống, xã đang tổ chức tập huấn kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất siêu nhỏ và đưa cây bí ngô xuất khẩu vào cơ cấu cây vụ đông của xã.
Thành công trong công tác DĐĐT của Minh Tân là do xã đã gắn việc DĐĐT với chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Kinh nghiệm thực hiện DĐĐT ở xã Minh Tân là cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phải công khai quy hoạch, phương án và trình tự DĐĐT để nhân dân tham gia giám sát, đồng thời hướng dẫn nhân dân tự tính diện tích và hệ số chuyển đổi nhằm tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT./.
Nguyễn Hương