Mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làng nghề CN-TTCN của huyện Nam Trực vẫn ổn định. 9 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện ước đạt 1.010 tỷ đồng, bằng 71,7% kế hoạch và tăng 20,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất cơ khí tại Cty CP Cơ khí và xây lắp Tiến Đạt, CCN Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang. |
Để đạt được kết quả đó, những năm qua, huyện Nam Trực đã chú trọng thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và Quỹ Khuyến công của tỉnh. Nhiều hình thức khuyến công được triển khai linh hoạt như: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động trong các doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước… Nhờ đó, các doanh nghiệp có thêm kinh phí để đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (Bộ Công thương) chỉ đạo phòng Công thương huyện, UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và Trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện chọn các xã có nghề truyền thống, hỗ trợ kinh phí để khôi phục nghề cũ, phát triển nghề mới và nhân rộng ra các xã lân cận. Đồng thời, phân vùng phát triển ngành nghề phù hợp với từng địa phương theo hướng đa dạng ngành nghề để người lao động được học nghề theo nhu cầu và tìm được việc làm sau khi học. Từ các nguồn kinh phí khuyến công được hỗ trợ, huyện đã mở nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, nhân sự, marketing… cho cán bộ chuyên môn các xã, HTX, chủ các doanh nghiệp. Thông qua các dự án khuyến công, đã giúp nhiều làng nghề truyền thống của huyện khôi phục và phát triển; nhiều xã thuần nông đã đưa ngành nghề về địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân. Nguồn quỹ khuyến công Quốc gia đã hỗ trợ kinh phí cho các Cty: Cty TNHH Vinh Thực, Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Cơ khí Nam Định, mở 3 lớp dạy nghề cơ khí thu hút gần 300 lao động trên địa bàn theo học. Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ Cty CP Dịch vụ thương mại Bình Minh (Bình Minh) 20 triệu đồng tham gia Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc lần thứ 3 tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh để Cty có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cty TNHH Việt Thắng (Thị trấn Nam Giang) được Quỹ khuyến công Quốc gia hỗ trợ kinh phí để nâng cao tay nghề, dạy nghề mới cho gần 100 lao động đang làm việc tại Cty... Trong năm 2012, hoạt động khuyến công ở Nam Trực tập trung vào các hoạt động: dạy nghề, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật… Trong đó, Trung tâm dạy nghề huyện đã mở 10 lớp dạy nghề may công nghiệp, cơ khí… cho 400 lao động nông thôn. Hoạt động khuyến công đã giúp nhiều doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tay nghề của đội ngũ lao động để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ngày càng mở rộng được thị trường. Các doanh nghiệp trong CCN Vân Chàng, Đồng Côi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động. Làng nghề cơ khí Bình Yên (Nam Thanh) thu hút trên 250 hộ tham gia, làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ đang từng bước được khôi phục và phát triển. Cty TNHH Kim khí Anh Tú (CCN Đồng Côi) đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả hợp lý cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cty CP Cơ khí và Xây lắp Tiến Đạt (CCN Vân Chàng) chuyên sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp điện, cầu đường mỗi tháng sản xuất từ 10-11 tấn sản phẩm chất lượng cao, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, Cty TNHH Cơ khí Cao Nguyên (CCN Vân Chàng) đặt mục tiêu doanh thu đạt 8 tỷ đồng, sản phẩm chính của Cty là các linh kiện phục vụ ngành viễn thông, 8 tháng đầu năm 2012 Cty đã đạt doanh thu 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2012, huyện Nam Trực phấn đấu đạt giá trị sản xuất CN-TTCN trên 1.410 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch được giao./.
Bài và ảnh: Thành Trung