Giao Hải phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản

08:09, 10/09/2012

Nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Hải (Giao Thủy) có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Khai thác lợi thế tự nhiên, những năm qua, xã Giao Hải đã chú trọng phát triển kinh tế thủy sản.

Toàn xã hiện có 240 phương tiện đánh bắt hải sản có công suất từ 8-20CV thường xuyên đánh bắt hải sản tại các ngư trường, thu hút gần 500 lao động trực tiếp và tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Hiện nay, vùng bãi bồi nuôi ngao, vạng của xã rộng 135ha, thu hút 75 hộ tham gia, thu nhập thực tế đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích nuôi lớn, có thu nhập cao như hộ các ông: Nguyễn Văn Thưởng (xóm 12), diện tích 3,5ha; Đỗ Như Điến (xóm 10), diện tích 4,5ha… Nghề nuôi trồng, khai thác hải sản phát triển nên xã Giao Hải đã hình thành gần chục cơ sở chế biến thủy hải sản. Mỗi năm, các cơ sở chế biến của xã tiêu thụ trên 3 nghìn tấn sứa và trên 1.000 tấn tôm, cá các loại cung ứng ra thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc… Ông Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Hùng Vương cho biết: Cty thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 với tổng diện tích 2.000m2, trong đó có trên 1.000m2 nhà xưởng chuyên chế biến sứa cung ứng ra thị trường nội địa và cá mai khô xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Phế phẩm của cá mai như vảy, đầu, ruột… được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, Cty tiêu thụ khoảng 2.000 tấn nguyên liệu các loại, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Năm 2012, Cty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lắp đặt 1 trạm biến áp công suất 250KVA, 3 lò sấy điện công suất 1 tạ cá/mẻ, 1 kho lạnh có thể dự trữ 100 tấn nguyên liệu. Nhờ có 3 lò sấy điện nên 100% cá nguyên liệu đều được sấy khô, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Năm 2012, Cty đã sản xuất được gần 20 tấn cá mai khô, chế biến được trên 1.000 tấn sứa. Ngoài các cơ sở chế biến, xã Giao Hải còn có 10 cơ sở làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm truyền thống, trong đó có cơ sở của ông Nguyễn Văn Phung (xóm 8) mỗi năm tiêu thụ trên 20 tấn nguyên liệu. Ông Phung cho biết: với 12 bể chượp, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất được từ 3.500-4.000 lít nước mắm các loại và gần 1 tấn mắm tôm; các công đoạn đều được làm thủ công theo phương pháp truyền thống nên sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Thu cá bố mẹ để tổ chức sinh sản nhân tạo (ảnh minh họa).
Thu cá bố mẹ để tổ chức sinh sản nhân tạo (ảnh minh họa).

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các chủ phương tiện, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến duy trì sản xuất, bám biển khai thác, xã Giao Hải còn chú trọng phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt. Xã khuyến khích các hộ dân tự dồn đổi diện tích, tận dụng các ao, đầm, thùng, vũng để phát triển nuôi thủy sản với các loại cá truyền thống, các loại con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: trắm cỏ, chép lai ba máu, cá quả. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của xã đã được mở rộng trên 70ha, thu hút gần 100 hộ tham gia, tổng sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 100 tấn. Ngoài việc đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN và PTNT) thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ dân. Năm 2012, xã đã chuyển đổi được 13,3ha vùng ruộng trũng thuộc xóm 5 sang nuôi thủy sản theo mô hình cá + lúa. Ông Lê Văn Trường, người trúng thầu khu đất cho biết: Ngay sau khi nhận đất, ông đã đầu tư gần 5 tỷ đồng xây kè bờ vùng, quy hoạch thành khu ao nuôi cá rộng 3ha và khu ruộng lúa rộng 10ha cấy giống lúa lai D.ưu 838 theo phương pháp gieo sạ hàng và thả 10 tấn cá giống gồm: cá chép lai ba máu, cá quả, trắm đen, trắm cỏ…; duy trì đàn vịt thịt 1.500 con/lứa… Sau khi thu hoạch lúa xuân, ông bơm nước vào ruộng thành ao nổi và phá bờ để cá lên ăn gốc rạ, mực nước luôn ổn định ở mức 80cm đến 1m. Đến nay, trang trại của ông đã sản xuất trên 55 tấn lúa, xuất bán được 2 lứa vịt thịt với tổng số 6 tấn, toàn bộ lượng lúa thu hoạch trong vụ xuân được dự trữ làm thức ăn cho cá, vịt. Năm 2012, dự kiến sản lượng cá ước đạt 35-40 tấn.

Phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, xã Giao Hải đã và đang tạo ra giá trị kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2012, xã Giao Hải phấn đấu đạt tổng thu nhập từ nghề thủy hải sản đạt trên 43,1 tỷ đồng, tổng thu nhập của toàn xã đạt 120,25 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân lên trên 16 triệu đồng/người/năm./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com