Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi các loại con nuôi có nguồn gốc hoang dã như: lợn rừng, nhím, dúi, cá sấu, đà điểu, hươu, dế, tắc kè… Có thời điểm, việc phát triển nuôi các loại con nuôi đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi chủ yếu là quảng canh, quy mô nhỏ, biện pháp kỹ thuật ít nên chỉ sau thời gian ngắn, các loại con nuôi đặc sản bị mắc bệnh, dịch, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Nuôi dế thương phẩm tại gia đình chị Trần Thị Kim Oanh, thôn Văn Hưng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Theo khảo sát của Sở NN và PTNT, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có trên 10 loại con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao được các hộ chăn nuôi phát triển, mở rộng; trong đó có 110 hộ nuôi dê, 40 hộ nuôi thỏ, 97 hộ nuôi nhím, 5 hộ nuôi lợn rừng, 26 hộ nuôi dế, 2 hộ nuôi hươu và một số hộ nuôi tắc kè, cá sấu, đà điểu, gấu… Chị Trần Thị Kim Oanh ở thôn Văn Hưng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) đã thành công với mô hình nuôi dế và nuôi tắc kè. Khởi nghiệp từ năm 2009 với đàn dế ban đầu khoảng vài trăm con, chị Oanh vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện nuôi nhốt như cải tiến dụng cụ nuôi, điều chế lượng thức ăn và tăng khẩu phần rau xanh thay cho nước uống… Hiện nay, trung bình mỗi tháng, trại dế của chị Oanh đã cung ứng ra thị trường khoảng 1 tạ dế thương phẩm và mỗi năm xuất bán khoảng 500 con tắc kè. Chị còn phổ biến kinh nghiệm nuôi dế, nuôi tắc kè và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 30 hộ nuôi trên địa bàn. Nhiều hộ dân trong tỉnh cũng đã giàu lên nhờ phát triển các con nuôi đặc sản. Tiêu biểu như trang trại nuôi lợn rừng, ba ba ở gia đình các ông Trần Văn Khiêm, Vũ Văn Tám ở thôn Ngõ Trang xã Liên Minh, ông Lương Minh Cường, xã Hợp Hưng (Vụ Bản)… Tại trang trại của anh Trần Văn Quý ở thôn Uy Nam, xã Yên Khang (Ý Yên), anh nuôi 4 loại con nuôi đặc sản là nhím, dúi, lợn rừng và ếch Thái Lan, Nam Mỹ. Anh Quý cho biết: các loại con nuôi đặc sản mà anh chọn nuôi đều là giống ăn tạp, có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Ban đầu anh Quý chỉ nuôi nhím, sau đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, anh đã đa dạng hóa vật nuôi, đầu tư trên 3.000m2 chuồng trại nuôi trên 10 nghìn con ếch, 3 con lợn rừng nái, hàng chục con lợn rừng con và 12 cặp dúi bố mẹ… Mô hình nuôi các con nuôi đặc sản đã phát huy hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần chăn nuôi truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm 2012, anh Quý đã xuất bán 1 tấn lợn rừng và hàng trăm kg ếch thương phẩm giống Thái Lan. Tuy nhiên, khó khăn của anh Quý và các hộ nuôi con nuôi đặc sản là chưa có quy trình chăn nuôi phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh để phát triển quy mô lớn, nâng cao năng suất, hiệu quả và cùng tham gia vào chuỗi liên kết để phát triển bền vững… Vì vậy, các mô hình con nuôi đặc sản cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát nguồn giống và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi…
Để giải quyết vấn đề này, trên cơ sở khuyến khích mô hình con nuôi đặc sản phát triển gắn với các trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn, Sở NN và PTNT đang đầu tư phát triển trại giống gia súc Hải Sơn (Hải Hậu) thành trung tâm sản xuất con nuôi đặc sản như lợn rừng, thỏ, nhím, gà, chim trĩ… cung ứng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với quy hoạch vùng phát triển con nuôi đặc sản, Sở NN và PTNT khuyến khích các trang trại chăn nuôi liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn của tỉnh để nhân ra diện rộng. Trong năm 2011, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, dự án “Nuôi cá sấu thương phẩm giá trị kinh tế cao quy mô 1.000 con” do Trung tâm Nghiên cứu gây nuôi và phát triển cá sấu - Cty TNHH Thương mại và Xuất khẩu Thịnh Phát và Cty TNHH Hoà Vượng đã được triển khai tại xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc). Thực hiện dự án, ngoài việc tiếp nhận quy trình công nghệ nuôi cá sấu thương phẩm quy mô lớn, cá sấu được nuôi thương phẩm quy mô trang trại sau 2 năm sẽ đạt trọng lượng 25-30 kg/con đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cty còn đảm nhận việc chuyển giao các kỹ thuật như: xây dựng chuồng trại gây nuôi cá sấu, chọn giống, nuôi cá sấu thương phẩm, thức ăn cho cá sấu, phương pháp đánh dấu, kỹ thuật bắt cá sấu, công tác thú y, vệ sinh môi trường và vận chuyển, tiêu thụ cá sấu thương phẩm cho các hộ dân trên địa bàn. Dự án được triển khai, đã góp phần khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh; không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng chuồng trại cho cá sấu. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi cần chủ động tìm hiểu kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về quản lý, kỹ thuật và ngăn ngừa dịch bệnh để việc phát triển chăn nuôi các loại con nuôi có nguồn gốc hoang dã đi vào ổn định, thực sự trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương