Giá cả thị trường sau khi tăng giá xăng dầu

07:09, 13/09/2012

Trong tháng 8-2012, sau 3 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp đã kéo theo trên thị trường nhiều loại dịch vụ, hàng hóa tăng giá. Đứng đầu trong nhóm các mặt hàng tăng giá đợt này là nhóm cước dịch vụ vận tải, chất đốt và một số mặt hàng thiết yếu khác.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 đơn vị tham gia dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định với tổng số gần 700 xe, chạy 185 tuyến, trong đó có 180 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh và 5 tuyến nội tỉnh; 3 đơn vị tham gia dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt với 5 tuyến đi các huyện, gần 500 xe taxi của các hãng Mai Linh, Dầu khí… và một số Cty, HTX vận tải hàng hoá. Do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp trong tháng 8 vừa qua, các Cty vận tải hành khách và hàng hóa đã lần lượt tăng giá cước. Chi nhánh taxi Mai Linh Nam Định là đơn vị đầu tiên điều chỉnh giá cước khi giá xăng có biến động. Đại diện của Cty CP Taxi Mai Linh cho biết: Cty có chủ trương chỉ điều chỉnh cước phí khi giá nhiên liệu biến động vượt ngưỡng từ 8% đến 10%. Thời gian qua, giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng tới 3 lần với tổng cộng trên 2.400 đồng/lít tương ứng với mức tăng 11,6% nên Cty phải điều chỉnh giá cước taxi tăng từ 800-1.000 đồng/km từ chiều 16-8-2012. Các hãng taxi khác cũng chính thức thông báo điều chỉnh tăng giá cước từ 800-1.000 đồng/km (tùy loại xe). Giá cước áp dụng sẽ dao động trong mức 13.400-17.000 đồng/km (tùy loại xe). Cty Taxi Dầu khí là đơn vị vận tải khách duy nhất trên địa bàn tỉnh không tăng giá cước trong đợt tăng giá xăng dầu ngày 13-8-2012, nhưng đến đợt tăng giá xăng dầu lần thứ 3 trong tháng (ngày 28-8-2012), Cty đã tăng giá cước. Cùng với các đơn vị vận tải khách, các đơn vị vận tải hàng hóa đã dự tính tăng giá cước vận chuyển từ 5-8%. Các tiểu thương tại các chợ đầu mối cũng cho biết, giá cước chở hàng hóa, rau củ quả từ các tỉnh khác về cũng được điều chỉnh ngay sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. Mức tăng phổ biến từ 30 nghìn-50 nghìn đồng/tấn hàng hóa tùy mặt hàng và cự ly vận tải.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Ngoài giá cước vận tải, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng với mức tối thiểu 10%. Trong đó, nhóm mặt hàng thực phẩm tăng mạnh nhất. Tại các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Nam Định, giá thực phẩm đang chịu ảnh hưởng khi tăng giá xăng dầu. Mỗi khâu trung gian đều tự cộng thêm tiền cước vận chuyển khi xăng tăng giá. Các mặt hàng thực phẩm khi chuyển đến chợ, thường trải qua 4-5 khâu trung gian, nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã tăng thêm vài nghìn đồng/kg. Chị Trần Thị Hường bán rau tại chợ Văn Miếu cho biết: Thời gian gần đây, phí vận chuyển tăng giá nên các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tăng giá khá mạnh, đặc biệt là các loại rau được vận chuyển từ địa phương khác về như khoai tây, cà chua, bắp cải, cà rốt, súp lơ, ngọn su su… tăng trung bình từ 1.000-5.000 đồng/kg.  Để ổn định tâm lý người tiêu dùng, khi lấy rau ở chợ đầu mối về, chị Hường chia thành mớ nhỏ bán với giá thấp hơn. Doanh thu của người bán hàng tại chợ cũng bị ảnh hưởng vì chi phí vận chuyển và giá hàng hóa tăng cao, trong khi hàng hóa lại khó tiêu thụ do người dân cắt giảm chi tiêu. Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người lao động. Chị Vũ Thị Hằng, công nhân Cty CP May Nam Định cho biết: Trước đây, ngoài gạo, muối, đường, sữa mua cố định, mỗi ngày gia đình chị chi tiêu khoảng 50 nghìn đồng mua thực phẩm, nhưng đến nay các loại thực phẩm đều tăng giá thành ra bữa ăn có phần đạm bạc hơn trước.

Trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhiều người tiêu dùng đã áp dụng nhiều cách để giảm bớt chi tiêu như mua thực phẩm ở chợ đầu mối, mua với số lượng nhiều để dành trong cả tuần… Nhiều cơ sở bán lẻ trên địa bàn Thành phố Nam Định cũng đã đưa ra các giải pháp bình ổn giá, giữ chân người tiêu dùng. Tại siêu thị Micom, BigC đã đưa ra nhiều biện pháp giữ nguyên giá bán sản phẩm như dùng quỹ bình ổn giá của chính Cty; đặt hàng sớm với nhà sản xuất để có được mức giá ổn định và bỏ qua các khâu trung gian, tự sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, bánh ngọt, sữa… để đảm bảo cung ứng sản phẩm có giá cả hợp lý tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời và không thể duy trì nếu không có sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, bình ổn thị trường và tránh việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” để trục lợi của một số ít tư thương bởi đến thời điểm này hầu hết các đầu mối cung cấp hàng đều có thông báo tăng giá do ảnh hưởng của giá xăng dầu./.

Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com