Những năm qua, tổng đàn vật nuôi của huyện Hải Hậu luôn dẫn đầu toàn tỉnh, thường xuyên duy trì ở mức trên 130 nghìn con lợn và gần 900 nghìn con gia cầm, cao gấp hơn 2 lần bình quân chung toàn tỉnh. Tổng sản lượng thịt, trứng sản xuất trong một năm gấp gần 2,5 lần bình quân chung toàn tỉnh. Các xã có tổng đàn lợn nuôi nhiều là Hải Đường, Hải Đông. Do sớm xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp bền vững, Hải Hậu cũng là địa phương có những trang trại chăn nuôi điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Đức Thịnh, xóm 7, xã Hải Tân nuôi trên 100 lợn nái ngoại và 200-400 con lợn thịt; ông Vũ Trọng Nghĩa, xã Hải Lộc nuôi 700-800 con lợn nái ngoại ông bà sinh sản; ông Phạm Văn Phố, xã Hải Tây nuôi trên 1.000 con thỏ ngoại sinh sản… Là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi với nhiều trang trại, gia trại nuôi quy mô lớn nhưng từ năm 2008 trở lại đây, huyện Hải Hậu chưa để xảy ra dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Mai Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Nguyên nhân để Hải Hậu chăn nuôi an toàn dịch trong 5 năm qua đó là dựa vào kinh nghiệm của người chăn nuôi; tuân thủ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đồng thời huy động được sự tham gia của đội ngũ thú y cơ sở”.
Cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của anh Phạm Văn Lương, xã Hải Hưng (Hải Hậu). |
Ngoài trưởng thú y của Ban nông nghiệp mỗi xã, thị trấn của huyện đều có 2-5 thú y viên cơ sở có trình độ chuyên môn về thú y, chăn nuôi chuyên chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm tại địa phương. Lực lượng này nắm chắc tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh tại địa phương, phát hiện sớm bệnh lạ và dịch có thể xảy ra. Các hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại đều có nhân viên thú y riêng. Mỗi khi gia súc, gia cầm mắc bệnh, người chăn nuôi đều tìm đến những người này để chữa trị. Từ thực tế đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, tạo thuận lợi và có những ưu đãi đối với đội ngũ những người làm công tác thú y theo từng thời gian, trường hợp cụ thể, đồng thời động viên, giao nhiệm vụ giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh đối với đàn vật nuôi tại xóm, thôn mà họ hành nghề. UBND huyện quy định huyện nắm đến trưởng thú y xã, xã nắm đến từng nhân viên thú y cơ sở; nơi nào để xảy ra dịch ngoài UBND xã, trưởng thú y xã thì trưởng xóm và người hành nghề chữa bệnh cho gia súc, gia cầm tại khu vực phải chịu trách nhiệm. Đồng chí Trần Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban nông nghiệp xã Hải Phương cho biết: “5 nhân viên thú y cơ sở của xã ngoài việc giao nhiệm vụ bảo vệ, giám sát dịch bệnh tại xóm thì các đợt tiêm phòng vắc-xin tập trung mỗi năm 2 lần, UBND xã đều trưng tập đội ngũ này cùng tham gia tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở các hộ dân. Sau mỗi đợt tiêm vắc-xin, UBND xã đều có tổ chức rút kinh nghiệm và giao nhiệm vụ cho lực lượng thú y, đặc biệt là các nhân viên thú y hành nghề tự do tại địa phương để họ thấy rõ sự quan tâm của các cấp chính quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với phong trào chăn nuôi của địa phương". Mặc dù xã Hải Phương có tổng đàn lợn nuôi không cao nhưng UBND xã luôn quan tâm công tác phòng dịch, bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài báo cáo thường xuyên theo quy định của nhân viên thú y cơ sở xóm, đội, Ban nông nghiệp xã, UBND xã thường xuyên kiểm tra, trao đổi với lực lượng thú y cơ sở. Nhiều năm nay tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của xã thường đạt 75-80% kế hoạch. Trong đợt tiêm phòng vụ thu năm 2012 chỉ tổ chức trong thời gian 1 tuần, có 78% tổng đàn được tiêm phòng dịch tả lợn và tụ huyết trùng, 100% lợn nái ngoại và lợn đực giống được tiêm vắc-xin lở mồm long móng…
Hằng năm, huyện Hải Hậu đều tổ chức triển khai công tác chăn nuôi thú y, tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi với đại diện UBND, trưởng thú y xã, thị trấn, đồng thời nhắc nhở xã tạo điều kiện cho đội ngũ thú y cơ sở hành nghề vì đây là “tai mắt” phát hiện sớm nhất tình hình dịch bệnh xảy ra. Năm 2012, huyện phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh mở lớp tập huấn cho hơn 100 nhân viên thú y cơ sở với nội dung: Pháp lệnh Thú y; những quy định, văn bản triển khai sau pháp lệnh; những quy định hoạt động thú y cơ sở…; những kinh nghiệm hay trong phát hiện, điều trị bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện dịch bệnh sớm… của chính những nhân viên thú y cơ sở.
Bài học tổ chức, quản lý lực lượng thú y cơ sở ở Hải Hậu cần được nhân rộng ra toàn tỉnh, nhất là tình hình dịch bệnh hiện nay trên đàn gia súc, gia cầm liên tục xảy ra và diễn biến phức tạp nếu như không phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch triệt để./.
Bài và ảnh: Tất Thắc