Bất cập trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

05:09, 08/09/2012

Hiện nay, giá các mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi mà còn kéo theo sự phát triển không bền vững của ngành chăn nuôi. Vào thời điểm tháng 4-2012, giá thịt lợn hơi đã tụt từ khoảng 50 nghìn đồng/kg xuống còn 32-40 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 1kg lợn hơi phải mất 45-47 nghìn đồng. Như vậy, người chăn nuôi đang lỗ 7-15 nghìn đồng/kg lợn hơi. Cùng với giá thịt lợn, giá bán các loại gia cầm cũng xuống thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm 2011 và 20-25% so với đầu năm 2012. Điều đáng nói là mức giá này đã duy trì gần 4 tháng nay và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Cùng với việc hạ giá, thị trường tiêu thụ thịt cũng bị sụt giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi phải “treo chuồng”. Ông Trần Ngọc Tân, chủ trang trại lợn thịt tại xã Tân Thành (Vụ Bản) cho biết: “Tôi đã nuôi lợn hàng chục năm nay với quy mô từ 200-300 con, tuy nhiên đến thời điểm này mọi giải pháp đưa ra đều thất bại, không dám tái đàn và rút dần số lượng đàn lợn thịt xuống còn 20-30 con, đồng thời phải thanh lý bớt lợn nái. Nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng nên đến thời điểm này, tổng đàn lợn trên toàn tỉnh đã giảm trên 44 nghìn con so với cuối năm 2011. Số lượng con giống bán ra cũng giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung tâm Giống gia súc gia cầm (Sở NN và PTNT) 3 tháng qua, lượng lợn giống các loại xuất bán cầm chừng. Hiện tại, trung tâm còn tồn đọng gần 1.000 con giống đã đến kỳ xuất bán. Nguyên nhân là do sức mua giảm, người tiêu dùng có xu hướng ngại sử dụng sản phẩm thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày do có hiện tượng một số hộ nuôi đưa chất cấm vào trong chăn nuôi và dịch bệnh bùng phát.

Nuôi lợn cầm chuồng tại gia đình ông Trần Ngọc Tân, xã Tân Thành (Vụ Bản).
Nuôi lợn cầm chuồng tại gia đình ông Trần Ngọc Tân, xã Tân Thành (Vụ Bản).

Trong khi giá thịt lợn hơi xuống thấp nhưng người tiêu dùng hiện vẫn phải mua thịt thương phẩm với giá khá cao. Tại các chợ, thịt lợn vẫn duy trì ở mức 70-80 nghìn đồng/kg, nên mặc dù sức mua có giảm nhưng các chủ lò mổ và tiểu thương vẫn hưởng chênh lệch lớn. Người tiêu dùng biết là bị mua đắt nhưng mua với số lượng nhỏ, mỗi bữa chỉ vài ba lạng thịt nên không mấy khi thắc mắc, hoặc có thắc mắc cũng được các tiểu thương giải thích qua loa, nào là công vận chuyển tăng do giá xăng dầu cao, do tiêu thụ ít hàng nên phải nâng giá để “lấy công làm lãi”. Vậy nên trong khi người chăn nuôi thua lỗ, người tiêu dùng bị “móc túi”, lợi nhuận tập trung vào tay các tiểu thương. Trung bình mỗi tiểu thương bán hết 1 con lợn trong ngày đã có lãi từ 200-300 nghìn đồng. Bất cập trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là: Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang sụt giảm cả về giá cả và lượng hàng hoá tiêu thụ trong khi giá thức ăn và các chi phí khác phục vụ chăn nuôi lại tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Điều đáng nói là những bất cập này tồn tại trong nhiều tháng nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong khi dự báo nguy cơ thị trường thịt lợn sẽ lại khan hiếm vào cuối năm và vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lại tiếp tục tái diễn.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, bên cạnh việc khuyến khích và hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của thị trường vào dịp cuối năm, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Ngân hàng cần tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và dành kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho khôi phục đàn vật nuôi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm. Chủ động nghiên cứu điều tiết tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm thu mua, dự trữ thịt, giải quyết tình trạng tồn đọng sản phẩm chăn nuôi. Làm tốt công tác quản lý thị trường, tạo điều kiện cho sản phẩm lưu thông thông suốt, tránh ép cấp, ép giá, ngăn chặn tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật từ bên ngoài vào tiêu thụ tại địa bàn./.

Bài và ảnh: Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com