Những năm qua, huyện Ý Yên đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại, gia trại, trong đó đẩy mạnh nuôi thủy sản với con nuôi chủ lực là các loại cá truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép… theo phương thức cá luồn lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm… trên diện tích vùng cấy lúa hiệu quả thấp, vùng đồng trũng, đất bãi ven sông… Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã hình thành những vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng diện tích 1.840ha. Trong đó có 665ha cá luồn lúa, 1.175ha ao hồ, thùng vũng có thu nhập thực tế cao gấp 3-4 lần cấy lúa, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; một số diện tích có thu nhập từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Gia đình ông Đào Duy Phát, xã Yên Phương phát triển mô hình lúa + cá với diện tích 1ha cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. |
Từ năm 2004, xã Yên Trung đã quy hoạch 20ha ruộng trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa năng suất bấp bênh ở cánh đồng Triều Quan để phát triển nuôi thủy sản theo mô hình cá + lúa thu hút 16 hộ tham gia. Sau khi đã bao vùng, bao khoảnh, xã tập trung cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất cho nông dân, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN và PTNT), Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại con nuôi; khuyến khích các hộ tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường ao nuôi để nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, đến nay vùng chuyển đổi tại cánh đồng Triều Quan đã cấy được 2 vụ lúa “ăn chắc”, năng suất đạt từ 120 tạ/ha/năm trở lên, sản lượng cá cũng ổn định từ 4,5 tấn/ha/năm; Bình quân thu nhập của các hộ tham gia đạt từ 100-120 triệu đồng/ha/năm; tiêu biểu như hộ các ông: Lê Văn Dũng, Ninh Đình Khảm, Nguyễn Văn Điến… Từ thành công của mô hình lúa + cá ở cánh đồng Triều Quan, đến nay diện tích nuôi thủy sản của xã Yên Trung đã được mở rộng lên gần 60ha, thu hút gần 50 hộ tham gia. Hiện nay mô hình cá + lúa, kết hợp chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại đã được mở rộng ra các xã như: Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Bằng, Yên Mỹ, Yên Phương... Để bảo đảm thành công, hằng năm Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đều tổ chức tập huấn kỹ thuật chọn con giống, cải tạo ao đầm, san nền, tạo vực cho cá lưu trú; hướng dẫn nông dân chọn thời điểm thả cá giống, lựa chọn những giống lúa ngắn ngày, chịu rét và cấy lúa sao cho phù hợp để đảm bảo thắng lợi cả về năng suất, chất lượng lúa, cá. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đồng thời xây dựng các mô hình điểm để các hộ tham quan, học tập kinh nghiệm. Để bảo đảm nguồn giống phục vụ nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp Cty CP Cá giống Ý Yên để cung ứng giống cho các hộ nuôi. Hiện nay, Cty đã chuẩn bị đầy đủ nguồn giống cá truyền thống và chuẩn bị đưa các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, cá rô phi đơn tính đực… cung ứng cho các hộ nuôi. Cùng với việc cung ứng con giống, Cty còn tổ chức tập huấn quy trình xử lý ao nuôi trước khi bắt đầu vụ nuôi, kỹ thuật chế biến thức ăn tận dụng cho cá, kỹ thuật nuôi lưu cá qua đông cho các hộ nuôi. Xã Yên Lợi có 30 hộ tham gia sản xuất theo mô hình cấy lúa, nuôi cá ở vụ xuân, chuyên cá trong vụ mùa và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, diện tích chuyển đổi theo mô hình lúa + cá của xã đã đạt trên 40ha, bình quân thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tập trung đã có lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Đinh Văn Phong (thôn Đồng Lợi), Ngô Văn Toán (thôn Bình Điền), Đỗ Tiến Nhị (thôn Hưng Thịnh), Nguyễn Văn Thứ (thôn Thịnh Đại), Nguyễn Văn Phòng (thôn Thanh Thủy 2)… Hiện nay, xã Yên Quang đã có 30ha nuôi thủy sản, thu hút trên 50 hộ tham gia với các mô hình: cá + lúa, cá luồn lúa kết hợp chăn nuôi. Theo đánh giá của xã, mô hình cá + lúa cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân thu nhập thực tế của các hộ tham gia đạt từ 70-100 triệu đồng/năm, một số hộ có diện tích lớn đã có thu nhập thực tế trên 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trịnh Quang Thắng (thôn 1); Trịnh Quang Thịnh, Trịnh Văn Quang (thôn 2)… Năm 2004, ông Trịnh Xuân Vênh thôn 1 đã nhận thầu 1,4ha đất thùng vũng sát đê sông Đáy để phát triển nuôi thủy sản. Ngay sau khi nhận đất, ông đã đầu tư kinh phí, huy động nhân lực để cải tạo khu đất thành ao thả cá kết hợp cấy lúa. Khu đất được ông thiết kế thành 3 ao với 2 phần riêng biệt là phần thềm để cấy lúa và phần đệm để nuôi cá. Ông Vênh cho biết, tận dụng ưu thế vùng trũng, nuôi cá kết hợp với cấy lúa ở vụ xuân, sau đó chuyển sang chuyên nuôi cá ở vụ mùa cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Khi lúa kết thúc thời kỳ đẻ nhánh mới phá bờ để cá tràn lên ruộng. Lúa được cá luồn ở dưới gốc nên ít gặp sâu bệnh phát sinh, năng suất đảm bảo, một vụ ăn chắc, sản lượng cá cũng ổn định từ 4,5-5 tạ/năm. Trên bờ ông xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà và tận dụng nguồn chất thải thức ăn thừa của lợn, gà làm thức ăn cho cá. Đàn lợn thường xuyên được duy trì từ 30-50 con/lứa, đàn gà khoảng 100 con. Với mô hình cá luồn lúa kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu từ 70-80 triệu đồng.
Để các trang trại, gia trại nuôi thủy sản phát triển bền vững, huyện Ý Yên chỉ đạo các xã, thị trấn công khai quy hoạch đất phát triển trang trại, gia trại; khuyến khích các hộ tự dồn đổi ruộng cho nhau hoặc cho thuê ruộng dài hạn trong vùng quy hoạch để làm trang trại. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa để tạo quỹ đất xây dựng trang trại; tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi; nuôi thủy sản. Đồng thời chỉ đạo Phòng NN và PTNT tiến hành rà soát lại toàn bộ các trang trại, gia trại để đề nghị cấp chứng nhận cho các trang trại đủ các điều kiện theo tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT./.
Bài và ảnh: Thành Trung