Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - Cần tạo cơ chế mở

07:08, 07/08/2012

“Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và đã chỉ đạo Bộ NN và PTNT soạn thảo nhiều cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này”. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tại diễn đàn đối thoại “Chính sách về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua đối tác công tư” sáng ngày 3-8.

Nông dân hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị

Nông nghiệp là cứu cánh của nền kinh tế. Nhận thức được giá trị này những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp qua đó nâng cao đời sống của nông dân. Dù sự quan tâm của Nhà nước là không ít nhưng hiệu quả mang lại là chưa cao.

Nền nông nghiệp của chúng ta vẫn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ. Và nông dân luôn đối mặt với cảnh được mùa mất giá hoặc được giá thì lại mất mùa. Họ chẳng có quyền định giá cho sản phẩm dù họ đã tạo ra nó. Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Thái Hương, một người vừa giành được thành công lớn trong việc chung tay đầu tư cùng nông dân cho biết: Nông dân luôn phải đối mặt với khó khăn do thời tiết gây ra, trong khi đó vốn đầu tư cho sản xuất lại quá ít, cộng với việc áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản sơ sài tạm bợ… đó là lý do khiến sản phẩm nông nghiệp luôn thấp không đủ sức cạnh tranh. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho hay: Trong suốt thời gian qua, chúng ta luôn đứng trước thách thức được mùa mất giá, mất mùa được giá, trồng - chặt… Nhiều nông dân tăng sản lượng nông sản hằng năm, song gần như không tăng lợi nhuận. Nguyên nhân của những tồn tại này có nhiều, song chính là chúng ta đã không tạo dựng được thị trường riêng của mình mà trong đó các công đoạn tạo nên giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị nông nghiệp hầu như đều nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dẫn giải rõ cho vấn đề này, ông Bộ đưa ra ví dụ, đó là giá của một ly cà phê nhỏ tại một quán hạng trung bình nhiều khi đắt hơn 1kg cà phê mà người nông dân khó nhọc cả năm trồng ra.

Theo ông Bộ, hiện chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu chi tiết về chi phí cũng như giá trị hình thành trong từng công đoạn của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể hình dung được, lợi nhuận thu được ở công đoạn sản xuất là thấp nhất và khâu tiêu thụ là cao nhất. Đây là nguyên nhân làm ít nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất mà chỉ tập trung thu mua thương mại. Và trong quy trình sản xuất này dù nông dân bỏ công sức, tiền của ra nhiều nhất nhưng lại hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị. Các nhà khoa học ước tính, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về nông nghiệp để có thể thu hút doanh nghiệp vào công đoạn sản xuất. Ảnh: Internet
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về nông nghiệp để có thể thu hút doanh nghiệp vào công đoạn sản xuất. Ảnh: Internet

“Kéo” doanh nghiệp vào cuộc

Có 5 cái được nếu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đó là: giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, sử dụng được lao động qua đào tạo, góp phần chế ngự được những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông nghiệp. Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Phan Đình Trạc nhận định. Tuy nhiên, muốn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông dân không thể tự làm mà phải kéo các doanh nghiệp vào cuộc vì đây là lực lượng có vốn lớn. Từ kinh nghiệm của Nghệ An thành công trong việc hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An chia sẻ: Phải tạo quỹ đất lớn tập trung cho doanh nghiệp. Muốn làm được điều này thì phải vận động dồn điền đổi thửa. Và muốn người dân góp đất cho doanh nghiệp sử dụng người dân phải có cổ phần trong doanh nghiệp, cùng được hưởng những lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra. Tóm lại, trong các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp, nông dân phải là cổ đông, Nhà nước đầu tư, còn doanh nghiệp giữ vai trò quản lý thì mới hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực ít lợi nhuận nhưng lắm khó khăn này.

Tìm lối ra cho nông sản Việt và hạn chế thấp nhất rủi ro người dân phải chịu, theo nhiều chuyên gia, Nhà nước nên tổ chức thu gom nông sản và khi giá lên đến mức có lợi cho nông dân thì tổ chức đấu giá, thậm chí cả đấu giá xuất khẩu. Đây là việc các nước trong khu vực đã làm. Ngoài ra, phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Mỗi nước khi tham gia thị trường đều phải xây dựng thương hiệu của từng sản phẩm để bảo hộ nâng cao giá trị. Chúng ta đã làm và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, tuy nhiên quy mô sản phẩm quá nhỏ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Chính vì vậy, họ không quan tâm đến cả chuỗi sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về nông nghiệp để có thể thu hút doanh nghiệp vào công đoạn sản xuất./.

Theo: Đại Đoàn Kết
 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com