Xuân Trường phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân

05:08, 11/08/2012

Những năm qua, huyện Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; đồng thời đẩy mạnh “cơ giới hóa” sản xuất trong các khâu: làm đất, thu hoạch sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; khuyến khích các xã, thị trấn xây dựng các vùng sản xuất tập trung; diện tích từ 10ha trở lên, thực hiện gieo cấy cùng giống, cùng trà, áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh. Trong vụ mùa 2012, ngoài 5 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với tổng diện tích 257ha tại các xã Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Đài, Xuân Vinh, các xã, thị trấn đều xây dựng các vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 787ha, một số xã có diện tích lớn là Xuân Thượng, Xuân Phong, Xuân Phương, Xuân Phú…; các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, mở rộng diện tích cấy trà lúa mùa sớm bằng các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh khá như: QR1, QR2; NĐ5; P6ĐB; TBR45; NĐ1; BC15; Vân Quang 14; TH3-3… tạo quỹ đất, thời gian trồng cây màu vụ đông. Huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 10ha trở lên, cấy các giống QR1, QR2 ở vụ mùa và trồng cây đậu tương ở vụ đông. Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng. Huyện hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân 50 triệu đồng khi mua máy gặt đập liên hợp mới và 30 triệu đồng nếu mua máy đã qua sử dụng, đồng thời tổ chức nhiều buổi trình diễn các loại máy nông nghiệp, tạo điều kiện về thủ tục pháp lý cho các tập thể, cá nhân vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để mua máy nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có gần 430 máy làm đất, hàng trăm dụng cụ sạ hàng, 27 máy gặt đập liên hợp và trên 100 phương tiện vận tải các loại. Trong chăn nuôi, huyện chủ trương phát triển theo các hình thức trang trại, gia trại tổng hợp. Toàn huyện hiện có 29 trang trại đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT; trong đó có 21 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 6 trang trại nuôi thủy sản, 2 trang trại tổng hợp; 7 trang trại đạt doanh thu từ 700-1 tỷ đồng/năm, 11 trang trại có doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm, 6 trang trại có doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/năm, 4 trang trại có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Các xã có nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao là Xuân Kiên 5 trang trại, Xuân Tân 6 trang trại, Xuân Thành 3 trang trại…

Ban Chủ nhiệm CLB chăn nuôi lợn ngoại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) hướng dẫn hội viên kỹ thuật nuôi lợn hiệu quả kinh tế cao.
Ban Chủ nhiệm CLB chăn nuôi lợn ngoại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) hướng dẫn hội viên kỹ thuật nuôi lợn hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với phát triển sản xuất, huyện Xuân Trường đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Ngoài việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu và trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Cty TNHH Cường Tân đã thuê 70ha đất trong thời hạn 5 năm của nông dân các xã Xuân Thượng, Xuân Ninh để sản xuất lúa lai F1 của tổ hợp lai 2 dòng TH3-3. Cty đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi; sau đó thuê nông dân địa phương sản xuất lúa lai F1. Các hộ tham gia đều được ứng trước giống lúa bố mẹ, vật tư, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn quy trình kỹ thuật. Khi thu hoạch, Cty bao tiêu toàn bộ sản phẩm đảm bảo chất lượng. Cũng với hình thức tương tự, vụ mùa năm nay, Cty CP Giống cây trồng Nam Định ký hợp đồng sản xuất lúa giống NĐ5 và khảo nghiệm một số giống mới trên diện tích 20ha tại cánh đồng mẫu lớn xã Xuân Kiên. Cty chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất đến tận khi thu hoạch, cung ứng vật tư cần thiết và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các hộ, chủ trang trại thành lập các câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi theo địa bàn thôn, xã nhằm chuyển giao kinh nghiệm, tạo mối liên kết trong quá trình nuôi, cung ứng thức ăn, thuốc thú y và giúp đỡ nhau tiêu thụ sản phẩm. Anh Bùi Văn Quang, chủ nhiệm CLB chăn nuôi lợn ngoại xã Xuân Kiên cho biết: Hiện nay, CLB đã thu hút được trên 40 hội viên tham gia. Các hội viên luôn hỗ trợ nhau trong việc cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tiêu thụ thịt lợn thương phẩm. CLB đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn, cách xây dựng chuồng trại; kỹ năng quản lý, cách thức hạch toán kinh doanh để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm CLB còn đứng ra tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng giúp hội viên vay vốn đầu tư sản xuất.

Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vấn đề phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân ở huyện Xuân Trường vẫn còn nhiều khó khăn do mối liên kết “bốn nhà”, đặc biệt là với nhà doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, huyện sẽ khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ; tăng cường giao lưu, xúc tiến thương mại nhằm thu hút các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com