Trên thị trường tỉnh ta hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện, điện tử vi phạm tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa... như: không gắn dấu hợp quy, không ghi nhãn hoặc ghi sai, ghi không rõ ràng; chất lượng sản phẩm không đúng như công bố, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Theo Thông tư 21/2009/TT-BKHCN của Bộ KH và CN về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử”, mặt hàng thiết bị điện và điện tử nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải kiểm định và dán tem hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Trong đó, quy định cụ thể các loại thiết bị điện, điện tử bao gồm: dụng cụ đun nước nóng tức thời; dụng cụ đun nước và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc, ấm đun nước; nồi cơm điện; quạt điện, bàn là, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước…
Ảnh minh họa/Internet. |
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, trên thị trường tỉnh ta, ngoài một số hãng điện tử có thương hiệu lớn như: Sony, Panasonic, Hitachi, Philip, Clipsal, Rạng Đông, Điện cơ… phân phối hàng theo kênh đại lý, còn lại hầu hết các mặt hàng thiết bị điện, điện tử lưu thông đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, riêng sản phẩm dây điện có tới hàng chục nhãn hiệu, hơn 70% các sản phẩm như ổ cắm, công tắc, cầu giao, attomat, bóng đèn huỳnh quang… bày bán trên thị trường là hàng giả, hàng nhái, giá cả không bằng 50% sản phẩm chính hãng. Các sản phẩm điện, điện tử này có nhiều vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng như: chất lượng kém, độ bền yếu, sau một thời gian sử dụng đầu tiếp xúc lỏng, lớp nhựa bên ngoài rạn nứt gây rò điện, khả năng dẫn điện kém… Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện nhiều mặt hàng vi phạm tiêu chuẩn chất lượng trên thiết bị điện, điện tử đã thu giữ hàng nghìn mét dây điện các loại vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật đang bày bán tại địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đây là sản phẩm của Cty TNHH Văn Tứ (Hưng Yên); Cty TNHH dây cáp điện Hạnh Trường (Hà Nội) và tập đoàn Thiên Phú (Hà Nội). Những sản phẩm bị thu giữ đều không gắn dấu hợp quy, chất lượng giám định không đúng chỉ tiêu đã công bố (sợi đồng trong lõi thiếu, chất lượng đồng có pha tạp chất, phần vỏ nhựa không đảm bảo chất lượng) dẫn đến hiện tượng thẩm thấu điện năng… Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều thiết bị điện, điện tử gia dụng tương đương về công dụng với nhóm các thiết bị điện, điện tử nêu trong danh mục 13 mặt hàng phải quản lý theo quy chuẩn Việt Nam cần phải quy định về an toàn khi sử dụng nhưng lại không được xem xét như: các sản phẩm chảo điện, nồi áp suất điện, nồi điện đa năng, bếp điện, các thiết bị điện chăm sóc sức khỏe như máy mát xa chân, mát xa lưng, mát xa mặt; quạt điện không cánh, máy sưởi điện, tông đơ điện…, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Những sai phạm về chất lượng của các thiết bị điện, điện tử gây ra hiện tượng sụt giảm công suất tải điện, dẫn điện, gây tổn thất điện năng, rò rỉ từ trường ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác như tủ lạnh, bình nóng lạnh…, làm giảm tuổi thọ các thiết bị điện. Tại cửa hàng Mai Lương, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), nơi bày bán các sản phẩm dây diện không có chứng nhận, dây trần không có tem nhãn…, anh Phạm Minh Cường ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) đang mua dây điện cho công trình xây dựng của gia đình. Anh cho biết, điều anh quan tâm là giá cả, nhãn hiệu, chất lượng của sản phẩm. Còn việc sản phẩm có hợp quy hay không, anh cũng chưa biết và việc phân biệt tem thật, tem giả cũng khó. Hiện tại, anh mua hàng theo khả năng kinh tế và sự gợi ý của chủ hàng.
Mặc dù, ngành chức năng đã tích cực kiểm tra nhóm thiết bị điện và điện tử song do hạn chế về lực lượng nên không thể kiểm soát hết các cơ sở kinh doanh thiết bị điện, điện tử trên địa bàn tỉnh. Nhà cung cấp sản phẩm thiết bị điện, điện tử nhập nhèm nhãn mác; người bán hàng thì thờ ơ với chất lượng sản phẩm, còn người tiêu dùng cũng chưa quan tâm đến việc sản phẩm có đảm bảo chất lượng nên thiết bị điện, điện tử kém chất lượng vẫn có cơ hội lưu thông trên thị trường. Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện, điện tử cố tình làm trái quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần bổ sung một số chế tài đối với các hành vi vi phạm như: không dán tem hợp quy đối với những sản phẩm hàng hóa thuộc diện phải dán tem hợp quy; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm hàng hóa không thuộc danh mục phải công bố hợp quy hoặc không thực hiện công bố hợp quy nhưng tự ý dán tem hợp quy. Đặc biệt, cần đưa thêm một số hàng hóa, thiết bị điện, điện tử vào danh mục sản phẩm công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện, điện tử. Bên cạnh việc cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp những quy định về ghi nhãn, tem hợp quy, mã số, mã vạch, các chủ doanh nghiệp, cửa hàng phải nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong việc khắc phục những sai phạm. Với người tiêu dùng, khi chọn mua thiết bị điện, điện tử, cần lựa chọn, ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu và có bảo hành chất lượng để bảo vệ quyền lợi của mình./.
Nguyễn Hương