Tăng cường huấn luyện ATVSLĐ để sản xuất phát triển bền vững

07:08, 28/08/2012

Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB và XH, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ TNLĐ, làm 56 người bị thương, trong đó có 28 vụ do NLĐ vi phạm quy trình, quy phạm và biện pháp làm việc an toàn, 7 vụ do nguyên nhân khách quan, các vụ còn lại là do NLĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân… Số vụ TNLĐ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 38 vụ trong tổng số 56 vụ. Phân loại TNLĐ theo tuổi đời, chủ yếu là lao động từ 18-45 tuổi chiếm 69%; theo tuổi nghề tỷ lệ lao động có thời gian làm việc dưới 1 năm bị tai nạn chiếm cao nhất 75% số lao động cùng độ tuổi.

Cán bộ Trung tâm phát triển CCN Thành phố Nam Định tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và công nhân trong CCN An Xá. Ảnh: Đức Thiện
Cán bộ Trung tâm phát triển CCN Thành phố Nam Định tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và công nhân trong CCN An Xá. Ảnh: Đức Thiện

Kết quả điều tra trên cho thấy một số vấn đề nổi cộm của công tác ATVSLĐ đang đặt ra cần được quan tâm. Trong khi các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có điều kiện đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại và quy trình quản lý tiến bộ thì số vụ TNLĐ lại xảy ra nhiều. Nhiều doanh nghiệp và cả người lao động vẫn thờ ơ với công tác ATVSLĐ. Có một thực tế là vài năm gần đây, nhất là năm 2012, ở một số doanh nghiệp, tập trung ở khối các doanh nghiệp ngành dệt may lực lượng lao động có nhiều biến động nên việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ không đảm bảo. Một bộ phận lao động trẻ thường xuyên “nhảy việc” do tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, thậm chí lách luật để hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến thường xuyên phải làm việc trong môi trường mới, lại thiếu ý thức về vấn đề ATVSLĐ nên nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao. Chính vì vậy mà số lao động ở độ tuổi được xem là sức khỏe tốt nhất, nắm bắt thông tin, kiến thức nhanh nhạy nhất (18-30 tuổi đời và tuổi nghề dưới 1 năm) lại bị TNLĐ nhiều nhất. Các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tuy có ý thức cao trong việc chấp hành pháp luật về lao động nói chung, công tác bảo đảm ATVSLĐ nói riêng song trong bối cảnh lao động không ổn định, cũng chưa có giải pháp thích hợp trong công tác bảo đảm ATVSLĐ ngoài các biện pháp xử phạt bằng kinh tế đối với người lao động khi phát hiện vi phạm. Ở các doanh nghiệp này đều có Hội đồng bảo hộ lao động, tổ chức công đoàn cơ sở song công tác giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của NLĐ về công tác bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ sức khỏe NLĐ còn hạn chế. Công tác huấn luyện ATVSLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp mới tập trung ở khâu học tập lý thuyết và các quy định pháp luật cũng như các nội quy, quy chế của đơn vị về ATVSLĐ; phần thực hành huấn luyện trên phương tiện, thiết bị còn hạn chế. Trong khi số lao động ở các doanh nghiệp này xuất phát từ các vùng nông thôn, đa số học nghề ngắn hạn nên trong thời gian học nghề chủ yếu được đào tạo về kỹ thuật chuyên môn, các vấn đề về ATVSLĐ, văn hóa nghề… chưa được chú trọng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng các chủ doanh nghiệp né tránh hoặc chỉ chấp hành một cách đối phó các quy định về ATVSLĐ, bởi đầu tư cho công tác ATVSLĐ là không nhỏ (bao gồm trang thiết bị, công nghệ, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, quy trình, bộ máy quản lý về ATVSLĐ, thiết bị bảo vệ cá nhân cho NLĐ,…), trong khi công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ này chưa được thường xuyên... Từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia về công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ giai đoạn 2006-2010, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ, chủ sử dụng lao động, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng liên quan… Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN được tổ chức hơn 10 năm nay với nhiều hoạt động sôi nổi, sâu rộng nhằm huy động thu hút sự tham gia hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, NLĐ và cộng đồng xã hội. Các quy định pháp luật về công tác bảo đảm ATVSLĐ được bổ sung ngày càng đầy đủ, chi tiết nhằm bảo đảm cho môi trường lao động được cải thiện, an toàn cho cả NLĐ và doanh nghiệp cũng như toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe NLĐ vì sự phát triển sản xuất bền vững.

Huấn luyện ATVSLĐ là một trong những hoạt động đào tạo nhằm cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng giúp người lao động có thể chủ động xử lý những tình huống, vấn đề gặp phải trong thực tiễn. Các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ có tác dụng làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi ứng xử trong công tác ATVSLĐ, là một trong những hoạt động phòng ngừa tích cực, đòi hỏi phải được quan tâm và ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Thực hiện chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015, kế hoạch chương trình năm 2012, Sở LĐ-TB và XH đang tập trung triển khai  hoạt động huấn luyện công tác ATVSLĐ. Sở LĐ-TB và XH đã mời các chuyên gia của Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB và XH) về huấn luyện cho các chủ doanh nghiệp, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cán bộ làm công tác ATVSLĐ của các Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố để làm hạt nhân về tiếp tục tổ chức huấn luyện tại đơn vị doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2012, cùng với hoạt động huấn luyện, Sở LĐ-TB và XH còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ trong toàn tỉnh để tăng cường phổ biến, trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho NLĐ. Không chỉ người sử dụng lao động, mà cả NLĐ cũng cần phải hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định về nhiệm vụ huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động rất cần sự chủ động, tự giác của các doanh nghiệp vì chính sự phát triển của doanh nghiệp./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com