Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng

05:08, 25/08/2012

Sự cần thiết phải cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay của chính các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Đồng thời, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

Ngày 1-3-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là đề án tái cơ cấu được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt sớm nhất và hiện nay đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhất so với các đề án cơ cấu lại các lĩnh vực khác. Mục tiêu của quá trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng là: Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tạo cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Internet
Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tạo cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Internet

Nét mới của Chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng lần này thể hiện trên một số điểm sau đây:

Thứ nhất, việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém tôn trọng nguyên tắc tự nguyện và cơ chế thị trường, tuy nhiên Nhà nước sẵn sàng áp dụng các biện pháp can thiệp bắt buộc khi cần thiết để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, huy động sức mạnh và nguồn lực trong xã hội để cùng với Nhà nước thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, không chỉ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém mà còn cơ cấu lại ngay cả các tổ chức tín dụng lành mạnh cùng với nâng cao năng lực thể chế (hệ thống cơ chế, chính sách, thanh tra, giám sát ngân hàng) để nâng cao hiệu quả, sức mạnh của cả hệ thống ngân hàng.

Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng theo các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp điều kiện cụ thể của tổ chức tín dụng.

Thứ năm, tôn trọng nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các nhà đầu tư, các bên liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ sáu, do hoạt động ngân hàng hiện nay phức tạp, nhạy cảm, có quy mô rất lớn so với quy mô nền kinh tế và có liên quan đến lợi ích của nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Vì vậy, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ.

Trên cơ sở Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được phê duyệt, ngành ngân hàng quán triệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; đánh giá, phân loại tổ chức tín dụng; xử lý ngân hàng yếu kém, tiến hành sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trên cơ sở tự nguyện (đến tháng 8-2012 có ba ngân hàng được hợp nhất, một ngân hàng được sáp nhập và tới đây có thể có thêm một số tổ chức tín dụng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua lại); điều hành chủ động, linh hoạt chính sách và thị trường tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm dần lãi suất phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng và nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém để bảo đảm tổ chức tín dụng tăng trưởng phù hợp khả năng thực tế, tập trung củng cố khả năng chi trả. Ngành ngân hàng chủ động, tích cực phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan và các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng để ổn định tâm lý của nhân dân và tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ của xã hội.

Cho đến nay, về cơ bản các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được ngành ngân hàng triển khai nghiêm túc, đồng bộ và theo đúng lộ trình đã được đề ra. Một số kết quả bước đầu đạt được khá tích cực.

Những kết quả bước đầu thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều đòi hỏi ngành ngân hàng tiếp tục phải nỗ lực triển khai để đạt được yêu cầu, mục tiêu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đề ra. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng lớn nhưng chưa có cơ chế xử lý nhanh và bền vững. Một bộ phận không nhỏ các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhiều hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, khả năng cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được xử lý kịp thời. Hệ thống chính sách, cơ chế quản lý, giám sát và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng còn nhiều bất cập. Sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai thực hiện chương trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, chương trình cơ cấu lại đầu tư công và chương trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ. Việc thiếu sự hỗ trợ tài chính đủ lớn của Nhà nước vào tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là trong việc xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa tài chính các tổ chức tín dụng nhà nước có thể ảnh hưởng  tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Theo thông lệ quốc tế, các cuộc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng luôn phải có sự hỗ trợ tài chính với quy mô lớn (thường 10-30% GDP) từ phía Chính phủ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với chủ trương, biện pháp hợp lý về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự tích cực, nghiêm túc của ngành ngân hàng, chương trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tạo cơ sở vững chắc để đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com