Sản xuất thức ăn chăn nuôi - Tiềm năng còn bỏ ngỏ

07:08, 09/08/2012

Theo ước tính của Sở NN và PTNT, hằng năm, ngành chăn nuôi tỉnh ta tiêu thụ khoảng vài chục nghìn tấn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 2 đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng sản lượng 500 tấn mỗi năm. Như vậy phần lớn lượng thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi của tỉnh phụ thuộc vào sự cung ứng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh và nguồn nhập khẩu.

Chế biến bột cá nhạt tại gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).
Chế biến bột cá nhạt tại gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).

Để thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững thì việc phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cần được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo. Nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô, thóc, gạo, khoai, sắn... chiếm từ 70-80% khối lượng thức ăn hỗn hợp; nhóm thức ăn giàu protein, khoáng chất, vitamin và axitamin chiếm 20-30% khối lượng thức ăn hỗn hợp gồm: lạc, cá, bột xương… Trên thực tế, điều kiện về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi ở tỉnh ta rất phong phú, gồm: sản phẩm thuỷ sản khai thác, nuôi trồng; trồng trọt. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta phát triển ổn định, tổng sản lượng lương thực quy thóc hằng năm đạt trên dưới 1 triệu tấn. Nhiều vùng trồng khoai tây, lạc, đậu tương đã được hình thành và mở rộng với tổng sản lượng vài chục nghìn tấn. Các sản phẩm phụ từ nuôi trồng, khai thác thủy hải sản có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đạt hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có và thị trường tiêu thụ rộng lớn, sản xuất thức ăn cho chăn nuôi còn là mặt hàng được Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất với nhiều cơ chế hỗ trợ ưu đãi về mặt bằng sản xuất, vay vốn và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn cho chăn nuôi, một số đơn vị đã đầu tư, nhập khẩu dây chuyền thiết bị, mua công nghệ của nước ngoài và tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định đã lắp đặt dây chuyền sản xuất bột cá nhạt, công suất 12 tấn/ngày đêm (nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi). Cty TNHH Thịnh Long (Hải Hậu) đã đầu tư xây dựng 1 phân xưởng sản xuất bột cá nhạt với 4 máy, cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu… Một số hộ dân ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) cũng đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá nhạt. Ông Nguyễn Văn Chiến, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đầu tư 5 máy sản xuất bột cá nhạt, 6 tháng đầu năm 2012 đã sản xuất trên 1.000 tấn bột cá nhạt, tiêu thụ trên 4.000 tấn cá nguyên liệu... Tuy nhiên, hầu hết số bột cá này lại không được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà chủ yếu là xuất bán cho các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi ngoại tỉnh và xuất khẩu. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 2 đơn vị là Cty CP Chế biến thức ăn chăn nuôi Hải Hậu và Cty TNHH Tân Hưng Hải, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) sản xuất hoàn thiện sản phẩm thức ăn chăn nuôi với công suất vài trăm tấn mỗi năm, bước đầu tham gia vào thị trường cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Để tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản từ ngành trồng trọt, nuôi trồng, khai thác hải sản cho nông dân, các ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư thiết bị, đưa công nghệ mới vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến nông sản nói chung và thức ăn chăn nuôi nói riêng. Trước mắt, Sở NN và PTNT đã xây dựng kế hoạch đến năm 2015 sẽ sản xuất và cung ứng tại chỗ ít nhất 70% lượng thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo đó, ngoài việc ổn định vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, dự kiến trong giai đoạn 2011-2015 sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, mỗi nhà máy có công suất 150-200 nghìn tấn/năm tại Thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu. Nguồn nguyên liệu chế biến được tận dụng từ sản lượng ngô, đỗ tương, bột tôm, cá có sẵn trên địa bàn và thu mua thêm nguồn nguyên liệu bên ngoài./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com