Qua 5 năm thực hiện chương trình khuyến công ở địa bàn nông thôn

06:08, 18/08/2012

Qua 5 năm (2008-2012) triển khai thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Khuyến công Quốc gia đến năm 2012, công tác khuyến công ở tỉnh ta đã có những chuyển biến quan trọng, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh.

Dây chuyền sản xuất của Cty CP May thời trang Giao Thủy. Ảnh: Internet.
Dây chuyền sản xuất của Cty CP May thời trang Giao Thủy. Ảnh: Internet

Xác định khuyến công là một trong những giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thực hiện hiệu quả Quyết định 136 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; tập trung vào các lĩnh vực: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp ở nông thôn đầu tư nhập khẩu thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất. Trong 5 năm qua, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương) đã hoàn thành các chương trình, dự án khuyến công địa phương theo kế hoạch của UBND tỉnh và các đề án khuyến công Trung ương được phê duyệt. Tổng kinh phí khuyến công đã được thực hiện là trên 31,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương thực hiện trên 16 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện trên 15,8 tỷ đồng. Tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề là trên 19,9 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng kinh phí. Số lao động được đào tạo mới là 17.760 người, số lao động có việc làm ngay sau đào tạo là 12.432 người. Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho 990 học viên là trên 1,4 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng kinh phí. Kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ là trên 5,7 tỷ đồng với 26 mô hình được hỗ trợ. Qua các mô hình trình diễn, đã thu hút đầu tư được trên 322,3 tỷ đồng, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn đạt trên 470,4 tỷ đồng. Kinh phí tổ chức hội chợ triển lãm và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia là trên 1,8 tỷ đồng với 323 gian hàng tiêu chuẩn. Trong giai đoạn 2008-2012, được sự quan tâm giúp đỡ của Cục Công nghiệp địa phương, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định phối hợp với Phòng Công thương, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng các dự án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí được Bộ Công thương phê duyệt là trên 15,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dạy nghề, truyền nghề, đào tạo nghề là trên 9,7 tỷ đồng, chiếm 61,5%, các nghề chủ yếu là: may công nghiệp, da giày, chế biến thủy sản, cơ khí, thủ công mỹ nghệ.  Kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn là trên 3,4 tỷ đồng, chiếm 21,7% tập trung vào các ngành: cơ khí, chế biến gỗ, kéo sợi, dệt khăn xuất khẩu, dệt lưới cước, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng… Các dự án khuyến công quốc gia đã tạo điều kiện giúp đỡ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Các dự án trình diễn mô hình kỹ thuật đã tạo việc làm cho 2.309 lao động nông thôn. Trong 5 năm qua, hoạt động khuyến công địa phương tập trung chủ yếu vào việc truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề mới với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 10,2 tỷ đồng; đã đào tạo được trên 12,4 nghìn lao động, số lao động có việc làm sau đào tạo là 8.694 người hầu hết đều tham gia sản xuất tại các CCN, doanh nghiệp, HTX, làng nghề trong và ngoài tỉnh. Các ngành nghề được hỗ trợ là: thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, dệt, may, thêu ren, cơ khí, da giày, chế biến lương thực - thực phẩm. Một số doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công đã đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động như: Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Cty TNHH Toản Chung, Cty CP Thanh Bằng, Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU (Xuân Trường); DNTN Dệt Lợi Thành (Vụ Bản); DNTN Anh Quyển, DNTN Cơ khí - Đúc Tân Tiến (Ý Yên); Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định)… Đến nay, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như nghề dệt ở Nam Hồng (Nam Trực), nghề sản xuất tre nứa ghép xuất khẩu ở Yên Tiến (Ý Yên), nghề cơ khí tại Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường)… Một số xã đã phát triển thêm nhiều nghề mới như: móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở xã Xuân Phú (Xuân Trường); nghề may công nghiệp tại huyện Xuân Trường, các xã Hồng Quang (Nam Trực), Bạch Long, Hồng Thuận, Giao Phong (Giao Thủy); Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng); nghề thêu ren tại các xã Yên Bình, Yên Lợi, Yên Nhân (Ý Yên)… Cùng với việc dạy nghề, nguồn kinh phí từ Quỹ khuyến công của tỉnh còn tập trung tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ HTX, chủ doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Qua 5 năm, hoạt động khuyến công của tỉnh ta đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng bền vững, hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh đã có 190/196 xã có nghề, 94 làng nghề sản xuất CN-TTCN đạt các tiêu chí làng nghề do Bộ NN và PTNT quy định. Đã có 494 doanh nghiệp ở làng nghề được thành lập với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng, thu hút gần 5.000 lao động tham gia, góp phần nâng tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn đạt 91 nghìn người. Trong 6 tháng đầu năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt 27 chương trình, dự án khuyến công đợt I với tổng kinh phí hỗ trợ 1,608 tỷ đồng trong đó có 5 lớp tập huấn “Khởi sự doanh nghiệp” được tổ chức tại các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Ý Yên; 22 lớp dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn với các nghề: may công nghiệp, thêu ren, đan móc sợi… UBND tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp (mỗi lớp có từ 25-35 học viên), mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến công hiệu quả, trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công và CN-TTCN nông thôn; phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện thực hiện tốt công tác truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề mới cho lao động nông thôn, khuyến khích các DN gia công đặt hàng cùng các xã tham gia dạy nghề ngắn hạn, ưu tiên các xã chưa có nghề; lựa chọn các DN có dự án đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư mở rộng sản xuất, lập dự án trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đào tạo lao động, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm, điểm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com