Nam Thắng mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá

05:08, 25/08/2012

Xã Nam Thắng (Nam Trực) nằm ở vùng đê bối sông Hồng. Trước đây, nhân dân trong xã chỉ tập trung vào nghề trồng lúa, ngô và trồng dâu, nuôi tằm với tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Nam Thắng đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Sấy cỏ ngọt tại gia đình anh Lâm Văn Đệ, xóm 2, HTXNN Đại An xã Nam Thắng (Nam Trực).
Sấy cỏ ngọt tại gia đình anh Lâm Văn Đệ, xóm 2, HTXNN Đại An xã Nam Thắng (Nam Trực).

Cây cỏ ngọt là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện đã đứng chân trên đồng đất Nam Thắng. Đây là loài cây thảo dược chứa ít calo nhưng lại có vị ngọt tự nhiên và hàm lượng đường cao, được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp dược và công nghiệp chế biến thực phẩm. Cây cỏ ngọt có thể trồng xen canh với lúa, ngô trên ruộng cạn, đất thịt nhẹ hoặc đất phù sa ven sông và có thể tận dụng trồng trong vườn nhà, vốn đầu tư ban đầu thấp, mỗi ha chỉ khoảng 30 triệu đồng. Anh Lâm Văn Đệ, xóm 2, HTXNN Đại An là người đầu tiên đưa cây cỏ ngọt về đồng đất Nam Thắng. Anh cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng uỷ, UBND xã và sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng, nhân giống, chế biến của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nên gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thí điểm trên diện tích 4ha vùng đất bãi ven sông. Nhờ được trồng, chăm bón đúng kỹ thuật nên ngay trong vụ đầu tiên, cây cỏ ngọt đã đạt năng suất trung bình 6-9 tấn lá khô/ha, cứ 3 tháng cho thu hoạch một lần. Thời gian thu hoạch cao điểm là vào tháng 4 đến tháng 11. Sau khi trừ các chi phí, mỗi ha trồng cỏ ngọt cho thu nhập trên 375 triệu đồng, gấp 5-7 lần so với cấy lúa. Để hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao giá trị cây cỏ ngọt, anh Đệ đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng xưởng sấy khô cỏ ngọt, với công suất 4 tạ cỏ/ngày. Do đó, sản phẩm cỏ ngọt thu hoạch đến đâu được chế biến, bảo quản đến đó, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện nay, nghề trồng cỏ ngọt ở xã tạo việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động và hàng trăm lao động thời vụ. Ngoài cây cỏ ngọt,  HTXNN Đại An tiếp tục hỗ trợ xã viên đưa cây lúa mì, cây kê và cây cỏ Nhật vào trồng thí điểm ở vùng bãi bồi ven sông làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất thức ăn chăn nuôi và dùng để trang trí. Đây là những giống cây trồng nhập ngoại, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu và của vùng đất bãi. Hiện tại, cây kê đã được trồng xen lẫn với cây dâu vào vụ xuân trên diện tích 10ha.. Cây cỏ Nhật đã được mở rộng diện tích ở đồng đất Nam Thắng, bước đầu cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng các loại rau màu khác. Đối với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống, xã khuyến khích các hộ dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn lựa giống dâu, giống tằm và sử dụng đồng nhất một loại dâu tằm, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y trong chuỗi sản xuất để tạo hiệu quả kinh tế cao, đồng thời dễ dàng xác định nguyên nhân gây hại khi có dịch bệnh xảy ra. Trong phát triển chăn nuôi và nuôi thủy sản, hiện xã đang phối hợp với Cty CP Xây lắp An Hưng (Hà Nội) và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN và PTNT triển khai dự án nuôi lợn kết hợp nuôi thủy sản. Dự án triển khai trên diện tích 15ha thuộc khu vực thôn Gò Cát Thượng với quy mô nuôi 5.000-6.000 con lợn;  nuôi cá truyền thống và các loại cá đặc sản như cá tầm, cá hồi và cá lăng theo mô hình thả lồng bè trên sông Hồng và kết hợp trồng các loại cây đặc sản tạo môi trường cho khu chăn nuôi. Khi dự án đi vào hoạt động không chỉ khai thác tiềm năng đất đai, thu hút lao động mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân vùng bãi. Tuy nhiên trong quá trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xã Nam Thắng đang gặp khó khăn như hiện tượng sâu bệnh, nấm mốc và thiên địch gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây trồng vật nuôi. Do đó, để các mô hình trồng cỏ ngọt, trồng dâu nuôi tằm và nuôi thủy sản phát triển bền vững, trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, bên cạnh việc nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, tạo điều kiện về đất đai, vay vốn, rất cần có sự hỗ trợ cả về kinh phí, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ của các ngành NN và PTNT, KH và CN để khắc phục những tồn tại hiện nay.

Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác tiềm năng vùng đất bãi, đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân là hướng đi đúng trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá của xã Nam Thắng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com