Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB và XH), đến thời điểm hiện nay cả nước có 130 trung tâm giới thiệu việc làm (dịch vụ việc làm công), trong đó 64 trung tâm trực thuộc các Sở LĐ-TB và XH; 66 trung tâm trực thuộc các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và các ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất. Các cơ sở này hoạt động trong lĩnh vực tư vấn việc làm, học nghề; giới thiệu và cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn tiến hành thu thập, phân tích và cung ứng thông tin thị trường lao động... Hoạt động dịch vụ việc làm tại Việt Nam được tổ chức theo đơn vị hành chính, từ các địa phương, tổ chức đoàn thể quản lý trực tiếp trung tâm giới thiệu việc làm, còn cơ quan quản lý nhà nước về lao động là Bộ LĐ-TB và XH thì lại không trực tiếp quản lý. Điều này khiến chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm phụ thuộc vào sự quan tâm của từng địa phương, bộ, ngành và tổ chức đoàn thể. Vì vậy, khi triển khai các chương trình đều gặp khó khăn và khó bảo đảm tính thống nhất.
Cung cấp hệ thống thông tin thị trường lao động cho các ứng viên và doanh nghiệp là một trong những nội dung của các trung tâm giới thiệu việc làm. |
Mặt khác, những quy định về cấp phép cho doanh nghiệp dịch vụ việc làm và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, quy định các doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm bắt buộc phải ký quỹ 300 triệu đồng, nên nhiều doanh nghiệp muốn hoạt động giới thiệu việc làm phải tìm cách hoạt động chui để khỏi phải đóng tiền. Theo Nghị định số 19/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm, doanh nghiệp được phép mở chi nhánh nên các doanh nghiệp liên kết với nhau góp tiền ký quỹ để xin cấp phép một doanh nghiệp, sau đó mở các chi nhánh theo giấy phép đó và hoạt động độc lập với nhau. Nhưng đây chính là lỗ hổng pháp lý, cũng chính là những hạn chế gây nên những yếu kém của hệ thống giới thiệu việc làm tại nước ta.
Được biết, dịch vụ việc làm công có ở hầu hết các nước trên thế giới, đều tập trung theo hai mô hình chủ yếu gồm tổ chức theo ngành dọc và theo chiều ngang với mức độ phân cấp khác nhau. Tại các nước châu Âu như Thụy Điển, Áo thì tổ chức theo hệ thống ngành dọc. Trong khi đó, tại châu Á, Hàn Quốc tổ chức theo ngành dọc, Trung Quốc lại tổ chức theo chiều ngang. Giám đốc dự án, Tổ chức Dịch vụ việc làm công Thụy Điển Svensson cho biết, mục tiêu của Tổ chức dịch vụ việc làm công thế giới nhằm thúc đẩy sự trao đổi các điển hình tiên tiến và triển vọng phát triển trong lĩnh vực then chốt của dịch vụ việc làm công; cung cấp thông tin và nâng cao năng lực từ các tổ chức dịch vụ việc làm công phát triển tới các tổ chức dịch vụ việc làm công kém phát triển hơn.
Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với mô hình ngành dọc là triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án từ Trung ương xuống cơ sở thuận lợi và có tính thống nhất cao; quản lý trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả và bảo đảm mục tiêu đề ra; thống nhất trong việc tuyển chọn, đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp. Còn đối với mô hình chiều ngang thì tận dụng và phát huy được mọi nguồn lực của địa phương; các chương trình, kế hoạch phát triển thị trường lao động gắn với tình hình thực tế và nhu cầu của từng địa phương…
Để dịch vụ việc làm công của nước ta đi vào cuộc sống, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, ở nước ta mô hình tổ chức dịch vụ việc làm công theo ngành dọc là hợp lý và cần được xác định rõ trong Luật Việc làm. Mô hình này được tổ chức thành 4 cấp gồm: Cấp Trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh, thành phố và văn phòng tại quận, huyện khu công nghiệp và khu chế xuất. Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cần duy trì dịch vụ việc làm công miễn phí. Việt Nam có lượng lớn lao động di cư từ vùng này sang vùng khác nên cần chú ý hỗ trợ di chuyển lao động và thu thập, phân tích, cung cấp một cách hệ thống thông tin thị trường lao động cho các ứng viên và doanh nghiệp./.
Theo qdnd.vn