Làng nghề truyền thống với việc xây dựng nông thôn mới

07:08, 14/08/2012

Đi suốt chiều dài đất nước, bất cứ địa phương nào cũng có làng nghề truyền thống, nơi kết tinh những tinh hoa văn hóa lâu đời của cha ông ta. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề truyền thống có vị thế rất quan trọng, góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn Việt Nam vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Một cửa hàng bày bán sản phẩm đồng Tống Xá tại Thị trấn Lâm (Ý Yên). Ảnh: pv
Một cửa hàng bày bán sản phẩm đồng Tống Xá tại Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí qua các phần: quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; hệ thống chính trị. Có thể nói, ở tất cả các lĩnh vực này, làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển lớn.
Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.600 làng nghề được công nhận, gần 400 làng nghề truyền thống và hàng trăm nghệ nhân được phong tặng danh hiệu với 53 nhóm nghề. Cả nước ta ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm: tơ lụa Vạn Phúc, the La Khê, kim hoàn Châu Khê; đồng Định Công, Đồng Xâm, Ý Yên, Đại Bái; gốm Bát Tràng, Chu Đậu; gỗ Đồng Kỵ, thêu Quất Động, thổ cẩm Mai Châu, dừa Bến Tre... Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làng nghề Việt Nam có một sức sống mới, phong phú hơn, được chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường... Tại các làng nghề ra đời nhiều Cty mới, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế. Thị trường trong nước cũng có điều kiện phát triển như mặt hàng nội, ngoại thất, sản phẩm văn hóa tâm linh. Đời sống của người dân nơi có làng nghề thường cao hơn từ ba đến năm lần so với các làng nghề thuần nông. Các làng nghề thu hút khoảng 12 triệu lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu đã lên tới hơn một tỷ USD/năm.

Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình trạng hàng hóa tồn đọng ở nhiều nơi, nhiều lao động mất việc làm. Cho nên trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải có những biện pháp giải cứu cho làng nghề, trước hết tháo gỡ khó khăn về kinh tế, về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nhất là nhiều người mất việc làm ở thành phố, khu công nghiệp trở về làng. Khi có nhận thức rõ, làng nghề có vai trò quan trọng, là một trong những mũi nhọn xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương mới quan tâm đầy đủ để làng nghề có tiềm lực phát triển bền vững. Với tiềm năng của các làng nghề truyền thống Việt Nam, nếu có sự đầu tư đúng hướng, có những chính sách phù hợp sát thực tiễn, nhất định các làng nghề sẽ vượt qua khó khăn thách thức hiện nay để có đủ khả năng thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, nhất là các cơ sở hạ tầng như: nhà cửa, đường  sá, trường học, trạm y tế... Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp doanh nghiệp làng nghề. Tuy vậy, các làng nghề đang trông đợi vào sự quan tâm của Nhà nước để giải quyết hàng loạt vấn đề về vốn, phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hiện đại hóa công nghệ truyền thống, chính sách phong tặng nghệ nhân, đào tạo truyền dạy nghề, tham dự các cuộc hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường trong nước, phát triển văn hóa - du lịch làng nghề...

Nét đẹp làng nghề. (ảnh: Internet).
Nét đẹp làng nghề (ảnh: Internet).

Một trong những vấn đề cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới là tạo dựng bộ mặt văn hóa - xã hội cho nông thôn theo mục tiêu chung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các làng nghề truyền thống Việt Nam đã lưu giữ những tinh hoa văn hóa lâu đời của dân tộc. Các làng nghề thường là những làng văn hóa cổ với kiến trúc độc đáo, một số làng nghề là làng khoa bảng như làng dao kéo Đa Sĩ có rất nhiều người đỗ đạt, trong đó có danh y Hoàng Đôn Hòa nổi tiếng, làng Bát Tràng có 25 tiến sĩ trong đó có một Trạng nguyên. Các sản phẩm làng nghề đã hàm chứa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Khi khai quật di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cách đây nghìn năm, ai cũng thấy rõ vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành. Từ những viên gạch, viên ngói, đầu rồng đến những vật dụng sinh hoạt gốm sứ bị chôn vùi dưới đất, qua bao thời đại vẫn còn giữ nguyên nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công. Đặc biệt, những sản phẩm từ từng lớp di chỉ thể hiện rất rõ nét đặc trưng nghệ thuật của các triều đại khác nhau theo thứ tự thời gian: Thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn...  phản ánh dòng chảy văn hóa Việt Nam một cách sinh động, cụ thể.

Làng nghề đã tạo ra một môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội và công nghệ lâu đời. Ở đây thể hiện rất rõ tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm sâu sắc. Từ lâu mỗi làng nghề đã có những hương ước để giữ kỷ cương và gắn kết cộng đồng. Mỗi gia đình truyền thống đã "Cha truyền con nối", "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ" chính vì thế mà nghề truyền thống quý giá của cha ông vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Mỗi làng nghề truyền thống đều có những nghệ nhân lâu năm là những người nắm giữ vốn quý của cha ông, giữ cho dòng chảy văn hóa của dân tộc không ngưng nghỉ. Văn hóa làng nghề luôn gắn với làng quê, các lễ hội, phường hội mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc...  Tất cả những điều đó là cơ sở rất thuận lợi để xây dựng đời sống văn hóa của nông thôn mới. Chỉ cần quan tâm đầu tư, đánh thức những tiềm năng văn hóa ấy là có được bộ mặt nông thôn mới vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Khi các làng nghề truyền thống được vực dậy, với những nét văn hóa độc đáo của nó, sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Du lịch làng nghề góp phần thúc đẩy du lịch nước ta phát triển và nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới ở những nơi có làng nghề.
Năm 2012 là "Năm làng nghề truyền thống Việt Nam", Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng với cộng đồng làng nghề và nghệ nhân cả nước mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hơn nữa đến việc phát triển làng nghề, coi đó là một trong những lĩnh vực trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com