Hiện nay, tại nhiều làng nghề, ở tỉnh ta khi lớp nghệ nhân tâm huyết ngày càng cao tuổi và ít tham gia vào sản xuất, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
I. Làm giàu từ nghề truyền thống
Tỉnh ta có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước bởi lịch sử phát triển lâu đời với những sản phẩm mang “thương hiệu” như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, cơ khí Vân Chàng, cây cảnh Vị Khê, sơn mài Cát Đằng… Những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đầu tư và có nhiều chính sách hỗ trợ để làng nghề phát triển. Trong 5 năm trở lại đây, giá trị sản xuất của các CCN làng nghề đạt gần 1.100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12.000 lao động ở khu vực nông thôn. Tại các làng nghề trong tỉnh hiện có gần 170 doanh nghiệp và 18.000 cơ sở sản xuất quy mô hộ, tạo việc làm, thu nhập cho gần 50.000 lao động. Trong các làng nghề, lực lượng thanh niên đã tích cực tham gia vào quá trình sản xuất, năng động đổi mới tư duy, cách làm, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều “triệu phú”, “tỉ phú” trẻ ở các làng nghề đã xuất hiện.
Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên xã Yên Ninh (Ý Yên) từ lâu đã nổi tiếng trong cả nước bởi những sản phẩm đồ gỗ có chất lượng cao. Đồng chí Ninh Đức Hiếu, Bí thư Đoàn xã Yên Ninh cho biết: Hiện làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên có khoảng 80% thanh niên theo nghề truyền thống; 30-40% trong số đó đạt mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Trong số nhiều đoàn viên thanh niên đang “ăn nên làm ra” từ nghề truyền thống, anh Nguyễn Văn Chung, Bí thư chi Đoàn thôn Quyết Phong là một trong những gương mặt tiêu biểu “dám nghĩ, dám làm”. Được gia đình giúp đỡ vốn ban đầu, cộng với “máu nghề” ngấm vào người từ khi còn nhỏ, anh Chung đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất riêng. Mới 28 tuổi nhưng đến nay anh đã có “cơ ngơi” gồm 2 xưởng sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho 16 lao động. Sản phẩm của cơ sở khá đa dạng gồm đồ gỗ nội thất, gia dụng mỹ nghệ đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước. Hằng năm trừ chi phí, cơ sở sản xuất của anh thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Anh Vũ Tiến Nghĩa làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình. |
Về Thị trấn Lâm (Ý Yên) chúng tôi gặp anh Phạm Sáng. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc, anh Sáng từng có thời gian lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Sau tháng ngày lăn lộn làm ăn xa, Sáng nhận ra “không đâu bằng quê mình” và nung nấu ý chí làm giàu từ nghề truyền thống của cha ông. Với vốn kiến thức sẵn có, cộng với năng khiếu điêu khắc, anh Sáng nhanh chóng "bén duyên" với nghề đúc đồng truyền thống. Bắt đầu từ thợ đúc, sau khi tích luỹ được một số vốn, anh mở xưởng đúc đồng riêng. Sau đó, anh chung vốn cùng chú họ mở Cty TNHH Đúc đồng Mai Hương. Hiện nay, số lượng thợ làm việc cho cả xưởng và Cty lên tới 30 người. Hằng năm, trừ chi phí, cơ sở sản xuất của anh có lãi trên 500 triệu đồng.
Anh Mai Văn Trường sinh năm 1980 ở thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) lại “nổi tiếng” trong cả xã bởi là “đầu mối” thu mua và sản xuất gối nhựa quy mô lớn. Lớn lên cùng những chiếc gối mây của ông, của bố, Trường đã biết đan gối từ khi còn nhỏ. Nhận thấy trong điều kiện hiện nay sản phẩm gối mây truyền thống không còn được giá và thị trường tiêu thụ như trước, Trường đã tìm tòi, chuyển đổi sang làm gối nhựa. Ngoài xã Vĩnh Hào, anh Trường còn đưa nguyên liệu về xã Yên Phúc (Ý Yên), Đại Thắng (Vụ Bản) thuê người làm. Anh chia sẻ: “Nghề truyền thống của làng hiện nay không còn hưng thịnh nhưng nếu có cách làm hiệu quả vẫn có thể khấm khá từ nghề, một phần nữa cũng là để giữ lấy nghề của cha ông để lại”.
Đến CCN Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hỏi “Khánh thang” ai cũng biết bởi anh là người đầu tiên ở Nam Định chuyên sản xuất thang gấp, loại thang chữ A. Đó là anh Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thị trấn Nam Giang, thành viên Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Nam Trực. Lớn lên từ làng nghề, anh tiếp nối nghề cha ông như “một phần tự nhiên của cuộc sống”. Trong một lần tình cờ vào nhà người quen ở Sài Gòn chơi, anh quan sát và học được cách sản xuất thang gấp liền nảy ý định về quê… làm thử. Anh dành dụm vốn liếng, đầu tư xây dựng xưởng sản xuất thang. Ban đầu anh “sản xuất” thang nguyên chiếc nhưng nhận thấy nếu làm hoàn chỉnh một chiếc thang, khi vận chuyển sẽ rất khó khăn, đẩy giá cước lên cao và thị trường tiêu thụ cũng hạn chế. Vì vậy anh chuyển hướng chỉ sản xuất các linh kiện cho thang gấp như khớp nối, mặt ghế ngồi, chân nhựa, móc khóa… Cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cơ sở cơ khí Quốc Khánh. Hiện cơ sở sản xuất của anh có 1.000m2 nhà xưởng với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy đột dập, máy cắt, máy hàn, dây chuyền sơn tĩnh điện... trị giá hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Hằng năm trừ chi phí anh có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng từ cơ sở sản xuất.
Khó có thể kể hết được những gương mặt đoàn viên thanh niên tiêu biểu tại các làng nghề truyền thống đang làm giàu từ “vốn” ông cha để lại. Ở làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) hiện có không dưới 10 thanh niên tuổi đời dưới 35 nhưng đã có vườn cây cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng và hàng trăm vườn cây giá trị hàng tỷ đồng do thanh niên làm chủ… Bằng sức trẻ, lòng yêu nghề, sự năng động, chịu khó những thanh niên làng nghề đã và đang “trụ” lại, phát triển trên chính nghề truyền thống của thế hệ trước.
II. Để lớp trẻ gắn bó với làng nghề
Để làng nghề truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển, tuổi trẻ trong các làng nghề hiện nay phải là người gánh vác trách nhiệm. Nhưng để giữ thanh niên ở lại với làng nghề cũng đang là bài toán khó cho nhiều địa phương hiện nay.
Theo khảo sát của Tỉnh Đoàn, tại các làng nghề, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương, đào tạo nghề miễn phí, cấp nguyên liệu để thanh niên làng nghề mang về làm tại nhà và nhận bao tiêu sản phẩm hoặc làm tại doanh nghiệp với mức thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng lực lượng lao động trẻ tại một số làng nghề không mặn mà. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng cơ bản vẫn là mức thu nhập chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận thanh niên có cách hiểu chưa đúng hoặc coi nhẹ việc phát triển ngành nghề. Kết quả khảo sát ở một số làng nghề đang “ăn nên làm ra” như: La Xuyên, Tống Xá, Vân Chàng… cho thấy, thanh niên tham gia làm nghề rất đông, chiếm 80-90% tổng số thanh niên của làng. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay ở một số làng nghề tình trạng thanh niên “bỏ” nghề truyền thống đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Đa số họ chọn các khu, CCN, các nhà máy hoặc tìm những làng nghề khác để mưu sinh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến đa phần người trẻ không mặn mà với nghề truyền thống là vì họ cảm thấy làm nghề không “sang” và khó giàu. Chính vì thế, việc tôn vinh cũng như tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ có cơ hội biết đến những mô hình thành công hoặc gương thanh niên làm giàu với làng nghề là rất cần thiết. Một trong các biện pháp để tôn vinh cũng như giúp thanh niên các làng nghề truyền thống có thể tự “quảng bá” là tổ chức các hội thi tay nghề, hội chợ làng nghề cho thanh niên, tạo sân chơi lành mạnh để thanh niên các làng nghề giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm. Một điều kiện quan trọng nữa giúp thanh niên gắn bó với làng nghề chính là việc tạo nhiều ưu đãi, thuận lợi cho thanh niên trong vay vốn phát triển sản xuất. Cái khó nhất của thanh niên các làng nghề vẫn là vốn, nguồn vốn vay từ các ngân hàng chưa nhiều so với nhu cầu thực tế sản xuất. Anh Nguyễn Văn Chung ở làng nghề La Xuyên cho biết: Năm 2011, anh phải nhờ bố đứng tên mới vay được từ Ngân hàng NN và PTNT huyện Ý Yên 200 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Số tiền này chưa thực sự tạo ra hiệu quả đối với thanh niên những làng nghề đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ khâu nguyên liệu. Nguồn vốn từ Đoàn Thanh niên thì hầu như còn quá ít ỏi và khó tiếp cận với đa phần thanh niên. Bên cạnh đó, vấn đề mặt bằng sản xuất, nhà xưởng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động phát triển sản xuất của các "ông chủ trẻ".
Quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang đặt ra những thách thức mới, đây không chỉ là cách để phát triển kinh tế, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa của từng vùng miền và của mỗi địa phương. Để thúc đẩy sự phát triển của làng nghề truyền thống cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành trong đó có vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong việc tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn lớp trẻ ở lại với làng nghề truyền thống. Tại các làng nghề truyền thống, việc đào tạo đội ngũ thợ trẻ có tay nghề giỏi còn gặp khó khăn. Các làng nghề cần nâng cao vai trò của những nghệ nhân cao tuổi trong việc truyền nghề, kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp, là mắt xích đầu tiên của quá trình đào tạo, hành nghề và lưu giữ nghề. Tổ chức Đoàn cần đứng ra tổ chức để tạo ra một không gian rộng mở cho các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy kinh nghiệm làm nghề cho lớp trẻ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân