Giao Thủy tập trung xóa bỏ lò gạch thủ công

02:08, 15/08/2012

Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 22-3-2011 của UBND tỉnh về phê duyệt dự án “Bổ sung quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020”, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của gạch nung thủ công, vận động các hộ tự xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò gạch dã chiến, đồng thời thực hiện hỗ trợ các chủ lò chuyển đổi ngành nghề. Theo số liệu của Sở Xây dựng đến hết tháng 5-2012, toàn tỉnh chỉ còn 267 lò gạch thủ công dã chiến, giảm 295 lò so với năm 2010. Năm 2010, huyện Giao Thủy và huyện Trực Ninh là 2 địa phương có nhiều lò gạch thủ công nhất, trong đó huyện Trực Ninh có 134 lò, huyện Giao Thủy có 129 lò. Tại huyện Giao Thủy, các lò gạch thủ công dã chiến chủ yếu tập trung ở các xã ven sông Sò, sông Hồng… Hoạt động của các lò gạch thủ công đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, gây bức xúc trong nhân dân; đất ven sông bị khai thác bừa bãi làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt hoạt động vận chuyển bừa bãi tại các lò gạch thủ công gây hư hại lớn mặt, chân đê, vi phạm hành lang đê điều. Trước thực trạng đó, huyện Giao Thủy đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung xóa bỏ hơn 121 lò gạch thủ công dã chiến chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện tại, trên địa bàn huyện Giao Thuỷ chỉ còn 7 lò gạch thủ công gồm lò đắp vỏ cứng và lò nung đứng. Trong đó, có 5 lò gạch đắp vỏ cứng, công suất 1-1,5 triệu viên/năm thuộc địa bàn xã Hồng Thuận, còn lại 2 lò gạch nung đứng vẫn hoạt động thuộc các xã Bình Hoà và Hồng Thuận. Có được kết quả trên, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện đã sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ quỹ khuyến công, khuyến nông hỗ trợ các hộ chuyển đổi ngành nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2012, huyện đã tổ chức được 7 lớp khuyến công cho hơn 245 lượt người tập trung vào các nghề chính như may công nghiệp, mây tre đan, cơ khí, sản xuất gỗ mỹ nghệ… Ở xã Giao Thịnh trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng người dân tận dụng đất từ hạ cốt ruộng, xây các lò gạch đắp vỏ cứng phục vụ nhu cầu xây dựng của gia đình. Có thời điểm tại xã có hơn 20 hộ xây dựng lò gạch đắp vỏ cứng, bình quân sản xuất được hơn 2-3 vạn viên/tháng. Để khắc phục tình trạng trên, xã đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, từng bước xoá bỏ hoàn toàn lò gạch dã chiến theo thời vụ. Thời gian đầu, xã yêu cầu các hộ xây dựng lò gạch dã chiến phải tuân thủ quy định về địa điểm phải cách khu dân cư hơn 500m và phải được sự đồng ý của cả 2 hộ có ruộng liền kề. Đồng thời, xã tiến hành quy hoạch, tạo điều kiện cho Cty CP Công nghiệp thương mại Giao Thuỷ chi nhánh số 2 mở xưởng sản xuất ở ven sông Sò; kết hợp khuyến khích các hộ dân có nhu cầu hạ cốt ruộng cung ứng đất cho Cty sản xuất gạch tuynel. Trên diện tích 2,5ha, Cty đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 20 triệu viên/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó có cả lao động làm lò gạch thủ công trước đây với bình quân thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Cty sẽ đầu tư mua máy sản xuất gạch không nung, công suất 4 vạn viên/tháng. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn xã đã không còn lò gạch dã chiến, 100% các hộ xây mới đều sử dụng gạch tuynel. Bên cạnh đó, vùng bãi bồi ven sông Sò trước đây có nhiều lò gạch thủ công, xã quy hoạch chuyển đổi thành vùng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung. Tại đây, Cty TNHH Thái Việt đã xây dựng trang trại trên diện tích 12ha nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp; gia trại rộng hơn 3ha của anh Đỗ Văn Khương nuôi các loại cá đặc sản như cá rô đầu vuông, cá quả Trung Quốc, cá rô phi đơn tính giống Đường Nghiệp… đạt hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đúng đắn, Giao Thuỷ là huyện có tiến độ xoá bỏ lò gạch thủ công dẫn đầu toàn tỉnh. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phấn đấu đến năm 2013 xoá bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công dã chiến./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com