Chuyển biến của các ngân hàng đối với vốn vay doanh nghiệp

07:08, 16/08/2012

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 4.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 90%. Khó khăn chung của các doanh nghiệp là vấn đề nguồn vốn. Trong thời gian qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2012, khi Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngân hàng thương mại đã có những chuyển biến mang tính đột phá trong việc tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 tổ chức tín dụng, trong đó có 11 chi nhánh ngân hàng thương mại. Đến hết ngày 31-7-2012, tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 14.518 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm và bằng 107,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 18.263 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm và bằng 111,6% so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2% trong tổng dư nợ. Theo báo cáo tổng hợp của NHNN tỉnh, đến hết tháng 6-2012, trên địa bàn tỉnh có 1.416 doanh nghiệp đang có dư nợ vay tại các ngân hàng, chiếm 37,3% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động và có tổng dư nợ lên tới 9.360 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% trong tổng dư nợ toàn tỉnh, tăng dư nợ 865 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số 1.179 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng từ đầu năm đã có 1.105 hồ sơ được giải ngân, đạt 93,7%. Điều này đồng nghĩa với việc có tới 1.105 doanh nghiệp vừa được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các điều kiện để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Đông Á, chi nhánh Nam Định. Ảnh: Thanh Tuấn
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Đông Á, chi nhánh Nam Định.
Ảnh: Thanh Tuấn

Trong quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cấp vốn giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư, phát triển là yếu tố quan trọng đầu tiên. Về vấn đề này, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có thị phần chiếm tỷ trọng lớn tại tỉnh ta như Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Thương mại CP Công thương, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển… đều khẳng định luôn sẵn sàng có đủ nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp. Hiện nay nguồn vốn huy động được của các ngân hàng tương đối phong phú. Theo NHNN, các ngân hàng đã có các biện pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn trực tiếp trên địa bàn nhằm đưa vào phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của UNND tỉnh, đã đề nghị Hội sở chính cấp thêm vốn, đảm bảo đủ yêu cầu vốn đối với thị trường Nam Định. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố cần là nguồn vốn thì yếu tố đủ, mang tính quyết định đến hiệu quả của doanh nghiệp là vấn đề về lãi suất và thời hạn vốn vay. Về vấn đề này, các ngân hàng đã có sự chuyển biến về thái độ hợp tác với doanh nghiệp theo xu hướng đồng hành, cùng phát triển. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ta tuân thủ khá tốt các quy định về trần lãi suất huy động cũng như cho vay, lãi suất luôn ở mức bằng và thấp hơn so với mức lãi suất bình quân của toàn quốc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả vốn vay. Đồng chí Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Định cho biết: “Cùng với tuân thủ đầy đủ các quy định về trần huy động vốn theo quy định của NHNN, BIDV là ngân hàng thực hiện điều chỉnh hạ lãi suất cho vay ưu đãi với 4 lĩnh vực (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp phụ trợ) xuống thấp hơn 1%/năm mức quy định của NHNN. Đồng thời, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên trong tỉnh thực hiện giảm lãi suất về mức 15%/năm đồng loạt với các món vay cũ của doanh nghiệp, khách hàng đã vay với lãi suất cao trước đây”. Đến hết tháng 7-2012, cơ bản các khoản vay cũ trong tổng dư nợ trên 4.000 tỷ đồng của BIDV đều đã được chuyển sang lãi suất mới thấp hơn. Đến nay chỉ tiêu dư nợ các tháng còn lại năm 2012 của BIDV chỉ còn khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên BIDV khẳng định sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho vay của các doanh nghiệp trong tỉnh vì ngoài vốn sẵn có của chi nhánh, BIDV Việt Nam đã cam kết tiếp ứng đầy đủ vốn cho BIDV Nam Định thực hiện cho vay, nhất là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Nam Định, đơn vị đang nắm giữ trên 30% thị phần hoạt động tín dụng tại tỉnh ta đã 6 lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, đưa lãi suất của đơn vị xuống dưới mức bình quân của toàn tỉnh. Ngân hàng NN và PTNT cũng là đơn vị thực hiện tốt các gói hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay lãi suất ưu đãi đối với 350 doanh nghiệp. Từ ngày 15-7-2012, Ngân hàng NN và PTNT triển khai hạ lãi suất với tất cả các khoản vay cũ của khách hàng. Cùng với hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, Ngân hàng Thương mại CP Công thương có cơ chế ưu đãi về hạn mức, số lượng vốn cho vay và lãi suất đối với các khách hàng truyền thống, các khách hàng có tiềm năng phát triển… Khi các ngân hàng có thị phần lớn thể hiện thái độ đồng hành với doanh nghiệp kéo theo các ngân hàng khác phải hạ lãi suất cho vay để duy trì và mở rộng thị phần. Theo thống kê của NHNN đến hết tháng 7-2012 trong tổng dư nợ của doanh nghiệp tỉnh đã có 288 doanh nghiệp được vay 1.420 tỷ đồng ở lãi suất từ 13%/năm trở xuống, 1.078 doanh nghiệp được vay 4.347 tỷ đồng ở mức lãi suất từ trên 13%/năm đến 15%/năm, 135 doanh nghiệp được vay 251 tỷ đồng ở mức lãi suất từ trên 15%/năm đến 17%/năm; chỉ còn 443 doanh nghiệp phải vay mức lãi suất trên 17%/năm với số vốn 899 tỷ đồng.

Trong hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của UBND tỉnh và của ngành Ngân hàng diễn ra trong tháng 7-2012, các doanh nghiệp trong tỉnh đều bày tỏ sự phấn khởi vì các ngân hàng đã hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ vốn vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, duy trì, từ đó tìm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, với nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là ngành Ngân hàng cần duy trì bền vững thái độ hợp tác. Quan trọng hơn nữa, vấn đề hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp như hiện nay là chưa đủ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, ở mức lãi suất trên 13%/năm, khó có doanh nghiệp nào có được hiệu quả sản xuất kinh doanh từ vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp vay thực ra chỉ là để duy trì hoạt động, ngăn chặn tình trạng suy sụp, phá sản. Vì vậy, ngành Ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất, nhất là đối với 443 doanh nghiệp của tỉnh đang phải vay với lãi suất trên 17%/năm. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng cũng cần rà soát lại các quy định về thẩm định, phân loại, xếp loại tín dụng doanh nghiệp, hạn mức cho vay đối với tài sản thế chấp… để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn và phát huy hiệu quả vốn vay./.

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com