Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Nam Định gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cty TNHH sản xuất thương mại Nam Anh chuyên sản xuất sản phẩm trục trà lúa cho máy xay xát gạo, mặc dù có thị trường ở cả trong và ngoài nước song trong 6 tháng đầu năm 2012 Cty chỉ đạt doanh thu 4 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Cty TNHH Công Danh từ nhiều năm nay được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong khối các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh. Với trang thiết bị hiện đại; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, Cty luôn cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm thịt đông lạnh đạt chất lượng cao nhưng từ đầu năm 2012 đến nay chỉ đạt doanh thu 20 tỷ đồng/tháng, giảm 40 tỷ đồng/tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của Ban Quản lý CCN An Xá, hiện nay nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng trì trệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; doanh thu của đa số doanh nghiệp đều giảm sút từ 30 đến 40%.
Dây chuyền sản xuất của Cty TNHH Hưng Thịnh, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Trước thực trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định sản xuất. Cty TNHH Hưng Thịnh chuyên sản xuất các sản phẩm giấy vở, tem nhãn mác, in hóa đơn và các loại phiếu thu, chi đã tranh thủ chính sách hỗ trợ mức lãi suất của Nhà nước, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hơn 12 tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy móc, sản xuất đa dạng các dòng sản phẩm như: sản phẩm giấy vở gồm giấy vở học sinh bốn ô ly, năm ô ly, giáo án, giấy photo, giấy bản vẽ kỹ thuật, các sản phẩm đều đạt chất lượng cao có độ trắng tự nhiên, chống lóa mắt, không thấm mực… và mở rộng mặt hàng in hoá đơn cho các Cty, doanh nghiệp. Cty đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn cao, đảm trách các khâu thiết kế, giám sát chất lượng sản phẩm. Để mở rộng thị trường, Cty đã cử cán bộ đến các đơn vị, doanh nghiệp, trường học… trong và ngoài tỉnh tiếp thị sản phẩm, cam kết cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cao với mức giá hợp lý, đồng thời thực hiện chiết khấu tỷ lệ lãi suất hoặc cung cấp với mức giá ưu đãi cho các hợp đồng đặt hàng với số lượng lớn. Nhờ đó, đến nay, Cty không chỉ giữ vững được thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận. Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất của Cty tiếp tục đạt mức tăng trưởng 10%; góp phần ổn định việc làm cho 55 lao động với mức thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng. Tại Cty TNHH thương mại Phúc Thái, để giữ vững thị trường tiêu thụ sản phẩm gas, Cty đã tăng cường các chương trình tiếp thị, khuyến mại sản phẩm và hợp lý hóa mức giá tới các đại lý cung cấp gas trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Trong quá trình sản xuất, Cty còn nâng cao mức độ bảo đảm an toàn khi sử dụng bình gas theo tiêu chuẩn, kiểm tra định kỳ trước khi xuất xưởng. Nhờ đó, từ đầu năm 2012 đến nay, Cty đã có thêm nhiều đối tác mới gia nhập hệ thống đại lý tiêu thụ sản phẩm của Cty. Tỷ lệ hộ dân sử dụng sản phẩm của Cty ngày càng tăng cao. Hiện tại, Cty có hơn 300 đại lý trong toàn tỉnh, với sức tiêu thụ gần 5.000 bình gas lớn/tháng, đạt mức doanh thu bình quân 15-16 tỷ đồng/tháng, tăng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giải quyết việc làm cho 80 lao động và thực hiện tốt các chế độ chính sách thuế tại địa phương. Bên cạnh khối doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị trong khối doanh nghiệp phân phối sản phẩm cũng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều tiết lượng hàng hoá hợp lý, không để tình trạng hàng hóa tồn kho kéo dài. Tiêu biểu như siêu thị Big C Nam Định, đã liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; tổ chức “Ngày hội đưa hàng Việt về nông thôn” tại địa bàn huyện Hải Hậu, nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong huyện với hàng nghìn sản phẩm giá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ dân, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu Big C. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay siêu thị Big C Nam Định tăng trưởng bình quân 10%/tháng, tổng giá trị các hóa đơn thanh toán đạt trên 40 tỷ đồng/tháng.
Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp đã tăng cường hỗ trợ, trao đổi thông tin về giá cả, tạo lập phương thức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong khung giá thành sản phẩm hợp lý nếu sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu của doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp cũng chia hướng đầu tư thành nhiều nhóm ngành sản xuất như: nhóm phát triển các ngành nghề truyền thống: cơ khí, xây dựng, dệt may, nhựa, hóa chất và nhóm tập trung sản xuất các mặt hàng phụ trợ, phục vụ chế biến tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp đều hướng đến nguyên tắc chú trọng sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhanh nhu cầu tiêu dùng hiện tại của nhân dân, đồng thời tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm quy mô lớn, tăng cường công tác quảng cáo, thiết lập các website giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý