Bước vào quý III-2012, do biến động của kinh tế thế giới nên đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu dệt may lớn như Mỹ, châu Âu sụt giảm; các yếu tố đầu vào gồm: nguyên liệu, điện, xăng, dầu… liên tục tăng; tình trạng khan hiếm lao động diễn ra gay gắt. Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vượt khó. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định (Natexco), đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, huy động được nhiều nguồn vốn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững ổn định thị trường. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các Cty con của Tổng Cty vẫn đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Cty CP Dệt - Dệt may Nam Định trung bình mỗi tháng sản xuất trên 1,5 triệu mét vải; Cty May 5 đạt doanh số 4,1 tỷ đồng/tháng, tăng 10% so với năm 2011. Với mức độ sản xuất, tăng trưởng như hiện tại, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định dự kiến sẽ chia cổ tức 15% trong năm 2012. Tại Cty CP May Nam Định (Nagaco), đã tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng các sản phẩm. Nhờ đó, các bạn hàng truyền thống từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vẫn tiếp tục hợp tác, ký thêm đơn hàng mới. Đến đầu tháng 8, Cty đã ký đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2012. Bên cạnh đó, một số đối tác của Hàn Quốc, Mỹ đã đề nghị cùng hợp tác với Cty để đầu tư thêm dự án mới. Hiện Cty đang xem xét để quyết định đầu tư mới bảo đảm hiệu quả kinh tế lâu dài.
Sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện đại tại Cty CP May Nam Hà. |
Dự kiến năm 2012, doanh thu của Cty ước đạt 145 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2011. Ngoài việc hướng đến thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã chú trọng đến thị trường nội địa. Cơ sở may Châu Anh (TP Nam Định) đã đứng vững trên thị trường bằng sản phẩm quần áo đồng phục, bảo hộ lao động, chất lượng tốt, kiểu dáng phong phú và giá bán hợp lý, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã chủ động lựa chọn sản xuất các mặt hàng có giá trị sử dụng cao, với giá phù hợp với người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Các hộ đều sản xuất các sản phẩm may mặc có chất liệu bằng cốt tông, đa dạng về kích cỡ, mẫu mã, màu sắc, tạo sự thoáng, mát cho người sử dụng. Nhờ đó, các sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may xã Mỹ Thắng ngày càng thu hút sự lựa chọn của đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình. Hiện các sản phẩm may mặc của xã Mỹ Thắng đã chiếm lĩnh được thị trường ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc và đang tiếp tục mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Nam. Doanh thu từ nghề sản xuất hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm của xã bình quân đạt gần 2 tỷ đồng/tháng, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu toàn xã. Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động quy hoạch lại sản xuất, cải tạo, nâng cấp các thiết bị máy móc theo hướng cải tiến thiết bị công nghệ, giảm lao động thủ công. Nhiều doanh nghiệp tích cực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, nhằm giữ chân người lao động, nhất là lực lượng lao động có trình độ, tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp. Tiêu biểu như Cty CP May Nam An, ở số 1 đường Giải Phóng (TP Nam Định), vừa đầu tư xây dựng nhà máy Veston nữ cao cấp với hệ thống máy móc bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Cty được Tổng Cty CP May Nhà Bè hỗ trợ công nghệ và hệ thống kiểm soát quá trình sản xuất các sản phẩm. Cty cam kết sẽ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống của 2.000 người lao động, bảo đảm phát triển Cty bền vững, bảo vệ môi trường. Hiện tại, Cty đã đưa một số dây chuyền vào hoạt động…
Thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh mong tiếp tục nhận được sự tiếp sức của các ngành chức năng về chính sách hỗ trợ về thuế, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực… để tiếp tục đầu tư phát triển hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý