Những năm gần đây, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất kinh tế tại vùng biển. Sở TN và MT đã tập trung tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật về BVMT cho cộng đồng dân cư ven biển là những người trực tiếp hưởng lợi và cũng là nhóm đối tượng trực tiếp có nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường biển. Trong ba năm gần đây, nhân dân tại các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã được tham gia hàng trăm buổi tuyên truyền, tập huấn hoặc có liên quan đến thông tin về BVMT. Ngành nuôi trồng thủy hải sản tại ba huyện ven biển đều khuyến khích, hỗ trợ nhân dân nuôi thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với BVMT như: đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, quy hoạch vùng nuôi, chủ động sản xuất nguồn con giống chất lượng cao, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến bảo đảm năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngành TN và MT đã vận động cộng đồng dân cư ven biển tham gia vào các dự án quản lý môi trường biển.
Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức ứng phó với biến đổi khí hậu của Sở TN và MT. |
Tại huyện Giao Thủy nhiều hộ dân ở 5 xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, gồm Giao Hải, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện và Giao Lạc đã tham gia chương trình phát triển sinh kế bền vững do Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng triển khai thực hiện trên nguyên tắc dựa vào cộng đồng để quản lý tài nguyên, đã từng bước giúp người dân xóa bỏ tình trạng săn bắn chim trái phép, nuôi thủy sản không theo quy hoạch. Các mô hình sinh kế bền vững còn giúp cho chính quyền và nhân dân địa phương tái tạo các nguồn lợi thuỷ sản, đồng thời quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chương trình đã giúp huyện Giao Thủy xây dựng được 4 tuyến du lịch, gồm: du thuyền cửa sông, xem chim, điền dã và du khảo đồng quê. Chương trình còn hỗ trợ và xây dựng thành công các mô hình đa dạng sinh kế thân thiện với môi trường nhằm tăng khả năng phục hồi của môi trường biển trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Tổ hợp nuôi ngao bền vững Giao Xuân; CLB sinh kế thân thiện môi trường Giao Xuân; nuôi giun quế, cải tạo vườn tạp kết hợp ủ phân hữu cơ; CLB sản xuất nấm Giao Thiện... Trong đó, tổ hợp nuôi ngao bền vững Giao Xuân đã áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật như: diện tích nuôi thả mỗi vây ương nuôi tối thiểu là 0,5ha trở lên, khoảng cách giữa các vây là 2m, đường đi chính rộng 4m xung quanh xẻ lạch rộng 15m, tạo môi trường thông thoáng để lưu thông dòng chảy, vận chuyển thức ăn được dễ dàng và phục vụ khai thác tự nhiên, tạo điều kiện cho các đối tượng khác phát triển và cân bằng môi trường sinh thái. Nhờ đó, môi trường sinh thái ổn định nên mức độ tăng trưởng con nuôi nhanh gấp từ 2 đến 3 lần so với trước đây và có khả năng chống chịu được những thay đổi về môi trường do BĐKH.
Từ đầu năm đến nay, Sở TN và MT đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng công tác BVMT Biển; trong đó đã thành lập Chi cục biển. Ngay sau khi được thành lập, Chi cục Biển đã tích cực tuyên truyền về công tác BVMT biển xuống các hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh; triển khai chương trình khảo sát, đánh giá hoạt động BVMT biển tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại vùng ven biển, từ đó đề xuất, xây dựng các chương trình khắc phục ô nhiễm và BVMT biển. Chi cục Biển cũng tăng cường vận động, kêu gọi các nguồn tài trợ kinh phí BVMT biển từ các tổ chức nước ngoài. Nhờ đó, ngay trong năm 2012, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng đã hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động như: khảo sát về kinh tế - xã hội và nguồn lợi ven biển tại các xã Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc; tham vấn kỹ thuật nghiên cứu về Khu Dự trữ sinh quyển Nam Định; tập huấn thích ứng với BĐKH; cập nhật khuyến nghị chiến lược phát triển sinh kế cho các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy… Trong năm nay, với sự tài trợ kinh phí của tổ chức Liên minh Đất ngập nước, tỉnh ta sẽ thực hiện các chương trình BVMT biển thiết thực như: Thành lập các chỉ tiêu giám sát và đánh giá hệ thống quá trình xây dựng năng lực, tác động đến bảo tồn các giá trị TN và MT, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương ven biển; cải thiện chất lượng các kênh truyền thông về công tác BVMT; tăng cường năng lực quản lý chất thải tại các xã ven biển; phát triển năng lực và kỹ thuật quản lý cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại các huyện ven biển theo hướng BVMT; quảng bá phát triển mô hình du lịch sinh thái tại khu đất ngập nước Xuân Thủy… Ngành VH, TT và DL đã chủ động thiết lập chương trình nhằm tăng cường công tác BVMT, ứng phó với BĐKH như: Lồng ghép chương trình BVMT, ứng phó với BĐKH vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Định đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch và người dân về BVMT, ứng phó với tình trạng nước biển dâng để chủ động thích ứng; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch các biện pháp sử dụng các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường; thực hiện tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo điều kiện khuyến khích phát triển loại hình du lịch sinh thái, tạo sinh kế mới cho cộng đồng dân cư.
Để nâng cao chất lượng công tác BVMT tại vùng biển, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành, cơ quan điều phối, quản lý; đồng thời chú trọng hơn về vai trò, vị trí, xây dựng những cơ chế để người dân có thể tham gia tích cực hơn vào công tác BVMT biển./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy