Bên cạnh nghề trồng hoa cây cảnh, những năm qua một số hộ của xã Điền Xá (Nam Trực) có bãi bồi ven sông Hồng phát triển nghề trồng cỏ nhung (cỏ Nhật), phục vụ nhu cầu trải thảm giải phân cách đường đô thị, các khách sạn, biệt thự, nhà khách, công viên, tiểu cảnh… Sản phẩm thảm cỏ của các hộ ở Điền Xá đã có mặt ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Sản phẩm cỏ trang trí của gia đình anh Nguyễn Đình Độ, thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực). |
Ban đầu một số người ở xã trồng cỏ để trang trí vườn cây cảnh gia đình. Sau một thời gian, thấy giống cỏ nhung thích nghi tốt trong điều kiện đất đai ở Điền Xá và đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ nông dân đã nhân giống và mở rộng diện tích trồng cỏ ở bãi bồi. Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cỏ nhung. Với kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn nhiều nhân công, lại thu lãi lớn, nên cây cỏ nhung được nhiều người dân ở Điền Xá lựa chọn phát triển. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vị Khê cho biết: “Với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên khá thuận lợi cho việc trồng cỏ nhung, đặc biệt là mùa hè. Trong mùa khô hanh, để duy trì độ ẩm cho cỏ chỉ cần chú ý tưới nước nhiều hơn”. Hiện nay ở Điền Xá có hơn 40% số hộ nông dân trồng cỏ, nhiều gia đình có diện tích lớn như gia đình bà Nguyễn Thị Mơ trồng khoảng 1.000m2, ông Nguyễn Văn Hồng khoảng 800m2…; nhà ít cũng có từ 300 đến 400m2. Để mở rộng diện tích trồng cỏ nhung, một số hộ đã thuê đất ở các xã lân cận, có hộ còn thuê đất ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, thuê lao động trồng để cung ứng sản phẩm cho khách hàng. Cỏ nhung Nhật dễ trồng, đầu tư ít hơn so với trồng các loại rau màu khác lại ít bị sâu bệnh. Mỗi sào trồng cỏ nhung đầu tư từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng; một năm cỏ nhung Nhật cho 3 vụ thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi có thể cho 4 vụ. Thời điểm hiện tại, cỏ nhung có giá dao động từ 20 nghìn - 25 nghìn đồng/m2. Sau khi trừ chi phí mỗi năm người trồng cỏ trang trí có thể thu lãi được từ 7 đến 10 triệu đồng/sào (180-250 triệu đồng/ha/năm). Trồng cỏ nhung nay đã trở thành một nghề mới ở Điền Xá, là sản phẩm quen thuộc của không chỉ các công trình xây dựng lớn ở Hà Nội mà còn “Nam tiến”, trải thảm cho giải phân cách xa lộ Biên Hòa, thảm cảnh cho công viên Suối Tiên, khu du lịch Lăng Cô (Huế)…
Cây cỏ nhung Nhật đã tạo ra một nghề mới góp phần làm giàu cho địa phương. Đây cũng là mô hình đa dạng hóa các loại cây trồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Thứ