Xét từ những đòi hỏi của sự sinh tồn con người thì nhu cầu và việc thỏa mãn nhu cầu luôn là các điều kiện tất yếu. Tuy nhiên cùng với tiến trình lịch sử, khi nhu cầu ăn - mặc - ở của con người không ngừng tăng lên thì đồng thời các nhu cầu đó cũng luôn được đặt trong liên hệ chặt chẽ với quá trình văn hóa hóa. Nói cách khác, cùng với sự phát triển, việc thỏa mãn nhu cầu ăn - mặc - ở của con người đã từng bước thoát khỏi tình trạng thuần túy thỏa mãn về vật chất, bởi còn bị điều chỉnh bởi các giá trị tinh thần. Sự ra đời của các chuẩn mực "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Y phục xứng kỳ đức", "Chồng em áo rách em thương - Chồng người áo gấm xông hương mặc người",... không giữ vai trò trực tiếp quyết định hành vi, nhưng nếu ai đó vi phạm sẽ dễ bị cộng đồng chê cười. Vì thế mỗi người, bất kể trong hoàn cảnh riêng như thế nào, sở thích ra sao, cũng cố gắng điều chỉnh việc thỏa mãn nhu cầu, như một sự tự ý thức, để thích ứng với các tiêu chí văn hóa của cộng đồng.
Ảnh minh họa/Internet. |
Một hai thập kỷ nay, trong khi sự phối kết giữa điều kiện khách quan do xã hội đem lại với sự tự ý thức về vị trí xã hội của mình, về các quyền mà mình được hưởng đã đưa tới cho một bộ phận xã hội ý thức mới về lao động và hưởng thụ; thì ngược lại, với một bộ phận khác, sự phối kết ấy lại được hiểu theo nghĩa "tự do muốn làm gì thì làm, càng hơn người càng tốt". Cách hiểu này kết hợp với thói ích kỷ, sĩ diện hão, kiểu lối trọc phú và học đòi, a dua theo đám đông, con gà tức nhau tiếng gáy,... vốn tiềm tàng trong tâm lý tiểu nông tư hữu có cơ hội trỗi dậy, nhiều người đã phóng chiếu các thói tật này bằng việc chạy theo, cố gắng phô phang một số kiểu lối hưởng thụ được cho là thời thượng, là "quyền" được hưởng. Cho nên, sẽ không là quá lời nếu đặt câu hỏi: Đâu là căn nguyên để tới hôm nay, tinh thần trách nhiệm với chính mình, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng lại đã và đang thật sự suy giảm trong một bộ phận xã hội? Thêm vào đó, phải nhắc tới cái quan niệm cho rằng "đời cha mẹ khổ rồi, phải để con cái sung sướng", vì trên thực tế, quan niệm này như là "tiếp tay" cho một bộ phận lớp trẻ, khuyến khích họ chọn kiểu sống lười nhác, ỷ lại, đua đòi chạy theo lối sống hưởng thụ. Dẫu đồng tiền chi tiêu cho hành vi đó là đồng tiền "sạch" và người ta có quyền chi tiêu thì trước cộng đồng, sự chi tiêu ấy lại không chỉ mang ý nghĩa cá nhân. Vì nó tác động tới tâm lý tiêu dùng của người khác, và nếu không được điều chỉnh sẽ dễ dàng đẩy tới tình trạng tiêu dùng tiêu cực, lãng phí, bừa bãi, bất chấp hệ lụy, bất chấp sự phản cảm so với cuộc sống của số đông. Về tình trạng này, có lẽ nên tham khảo ý kiến của một tác giả: "Đây chính là một thói quen xài tiền xấu, sự sĩ diện không cần thiết để được thỏa mãn sự "chịu chơi", sự khoe khoang. Mà cái này đâu chỉ nằm ở giới nhà giàu? Dường như nó nằm đâu đó sâu xa trong dân tộc tính của mình mà nếu không thay đổi, không định hướng đúng thì thói quen ấy sẽ hủy hoại chúng ta. Xã hội đang cần một văn hóa sống lành mạnh, lành mạnh cho cả người giàu và người nghèo... Sự giàu có không sinh ra văn hóa, đáng tiếc, nhưng đó là sự thật"./.
Theo nhandan.com.vn