Cuối tháng 6-2012, toàn bộ 77.727ha lúa xuân của tỉnh đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt 69 tạ/ha, cao hơn 0,22 tạ/ha so với vụ xuân năm 2011 và là vụ lúa xuân đạt năng suất cao nhất trong 5 năm gần đây.
I - Được mùa toàn diện
Đến ngày 24-6-2012, cơ bản 77.727ha lúa xuân của tỉnh đã thu hoạch xong, sớm hơn vụ xuân năm ngoái gần 10 ngày, tạo thuận lợi cho triển khai sản xuất vụ mùa. Năng suất lúa ước đạt 69 tạ/ha, cao hơn 0,22 tạ/ha so với vụ lúa xuân năm 2011. Đây là vụ lúa xuân đạt năng suất cao nhất kể từ năm 2007 trở lại đây. Sản lượng lương thực vụ xuân này ước đạt 551,7 nghìn tấn, tăng 14,5 nghìn tấn so với vụ xuân năm ngoái (trong khi diện tích giảm 381ha) và đạt 58,1% kế hoạch tổng sản lượng lương thực của cả năm 2012. Không chỉ năng suất mà chất lượng lúa gạo cũng tăng cao vì các giống lúa gieo cấy đã được tỉnh, ngành NN và PTNT, các địa phương chỉ đạo, kiểm tra sát sao với 3 tiêu chuẩn: năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn. Các giống lúa có chất lượng, năng suất cao như: TX111, TH3-3, Thiên ưu… cũng ưu tiên cho các vùng nhiễm mặn ven biển, chân ruộng chua trũng, sâu khu vực ven sông, thùng, vũng. Các giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất khá như Bắc Thơm số 7, Nam Định 1, Nam Định 5, BC15, TBR45… chiếm trên 60% tổng diện tích đều cho năng suất cao hơn so với các vụ trước.
Thu hoạch lúa xuân bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Điều ghi nhận trong sản xuất vụ xuân năm 2012 là các tiến bộ kỹ thuật về giống, phương thức canh tác, tổ chức sản xuất mới… được áp dụng và phát huy hiệu quả cao, như phương pháp gieo sạ hàng, tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đưa máy vào khâu thu hoạch, xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu… Gieo sạ hàng là một tiến bộ kỹ thuật mới được ngành NN và PTNT khuyến khích mở rộng với những ưu điểm vượt trội: giảm 60% công lao động nặng nhọc, tiết kiệm 30-50% số lượng về giống, giảm chi phí đầu vào, phù hợp với thực tế thiếu lao động trong "đông vụ chí kỳ", rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày… nhưng năng suất tăng trên 10%, hiệu quả tăng 15-20% so với phương pháp cấy lúa truyền thống… Vụ xuân này, diện tích gieo sạ hàng đạt 7.573ha, chiếm gần 10% tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Đi đầu là huyện Nam Trực với nhiều cách làm hay: hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân mua công cụ sạ hàng; tổ chức tập huấn và làm thực nghiệm đến từng thôn, đội sản xuất, có xã hỗ trợ toàn bộ thóc giống cho nông dân… Do vậy diện tích gieo sạ của toàn huyện đạt gần 2.000ha, chiếm gần 30% diện tích, gấp 13,3 lần so với vụ xuân năm 2011. Các huyện có nhiều diện tích gieo sạ hàng trong vụ xuân năm 2012 là: Hải Hậu 1.700ha, gấp 6 lần; Ý Yên 1.700ha, gấp 3,4 lần so với vụ xuân năm 2011… Đặc biệt đây là vụ đầu tiên tỉnh ta tổ chức xây dựng CĐML với 12 mô hình tại 11 xã của 7 huyện, 3.715 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích 12 mô hình CĐML là 565ha, đảm bảo tiêu chí cánh đồng có diện tích từ 30ha trở lên, thực hiện canh tác đồng trà, đồng giống và cùng phương thức canh tác… Hầu hết các mô hình CĐML đều chọn phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy truyền thống. Kết quả, năng suất lúa của cả 12 mô hình đều tăng so với sản xuất lúa đại trà từ 5,3 đến 11,4%, trong đó 8 mô hình năng suất tăng 7,6 đến 11,4%. Mô hình CĐML của HTX Tử Mạc (Ý Yên) có năng suất lúa tăng cao nhất, đạt 11,4%; các mô hình khác cũng tăng khá như HTX Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) tăng 10,2%; HTX Đại Thắng (Nghĩa Hưng) tăng 9,2%; HTX Xuân Kiên (Xuân Trường) và HTX Hải Tân (Hải Hậu) tăng 8,1% so với sản xuất đại trà. Bình quân lợi nhuận của CĐML tăng trên 3 triệu đồng/ha do tăng năng suất, giảm công cấy, giống lúa, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… dẫn đến giảm chi phí sản xuất. Chỉ riêng công cấy lúa, nhiều hộ đã thuê 150-200 nghìn đồng/sào, trong khi gieo sạ hàng chỉ 20 nghìn đồng/sào (5 nghìn đồng công ngâm ủ và 15 nghìn đồng công sạ hàng). Thu hoạch bằng máy bình quân 140 nghìn đồng/sào, riêng HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) 120 nghìn đồng/sào, lúa được tuốt sạch, đóng bao để vận chuyển về nhà, trong khi giá thuê gặt tay tại các địa phương trong vụ xuân này đều từ 200 nghìn đồng/sào trở lên và khoảng 40 nghìn đồng/sào công máy tuốt… Việc xây dựng CĐML đã tạo ra quan hệ sản xuất mới "mình vì mọi người" giữa các hộ nông dân, tạo ra tác phong sản xuất mới: ghi sổ nhật ký sản xuất, hạch toán trong sản xuất, trình độ thâm canh lúa của nông dân được nâng lên, tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp… Mặt khác, vai trò chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của chính quyền cấp xã được nâng cao, các HTXNN phát huy được vai trò làm dịch vụ trong sản xuất. Từ hiệu quả của xây dựng CĐML trong vụ xuân, vụ mùa năm 2012 ở 8 huyện đã có 36 HTXNN đăng ký xây dựng 38 mô hình CĐML với tổng diện tích 1.900ha, gấp 3,7 lần diện tích của vụ xuân.
Nét mới trong vụ xuân năm 2012 là lần đầu tiên HTXNN Hải Tân (Hải Hậu) ký hợp đồng với Cty TNHH An Bình (Hà Nội) tổ chức gieo cấy gần 10ha lúa thương phẩm bằng giống lúa chất lượng cao DS1 làm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Cty TNHH An Bình bao tiêu toàn bộ số thóc DS1 của Hải Tân sản xuất ra với giá thóc mua tại đầu bờ là 6,8 nghìn đồng/kg. Mô hình này cùng với CĐML là hướng đi đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Một nét mới nữa trong vụ lúa xuân năm 2012 là việc điều hành nước tưới của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm đủ nước, tưới tiêu hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Đặc biệt là các vùng gieo sạ tập trung và CĐML được điều tiết hợp lý đến từng cánh đồng. Công tác bảo vệ thực vật cũng được ghi nhận về dự tính dự báo đúng, tổ chức chỉ đạo khoanh vùng phòng trừ kịp thời khi bệnh đạo ôn lá bùng phát ra diện rộng nên gần như không có diện tích thiệt hại.
II - Bài học kinh nghiệm
Hơn chục năm nay, vụ lúa xuân của tỉnh ta liên tục được mùa, vụ sau luôn cao hơn vụ trước đã khẳng định gieo cấy lúa xuân muộn là tiền đề bảo đảm an toàn và tạo năng suất cao. Thời điểm cây lúa xuân trỗ bông an toàn nhất và cho năng suất cao là giai đoạn từ ngày 5 đến ngày 15-5 vì lúc này thời tiết nắng ấm không còn rét muộn, chưa xuất hiện giông, lốc, mưa lớn, nắng nóng chưa gay gắt, chưa xuất hiện gió Lào. Để lúa xuân trỗ đúng thời điểm này, mạ phải được tập trung gieo xung quanh tiết lập xuân (25-1 đến 5-2) cấy gọn trong tháng 2 với khung thời vụ tốt nhất là cấy xong trước ngày 25-2. Các giống lúa lai 3 dòng là giống có ưu thế về sức chống chịu kể cả về thời tiết, khí hậu cũng như sâu bệnh luôn cho năng suất cao trong mọi điều kiện thời tiết như các giống: Nhị ưu838, D.ưu527, D.ưu725… Một số giống lúa lai mới như TX111, VT404 ngoài ưu thế về sức chống chịu và năng suất cao còn cho chất lượng thóc gạo thương phẩm cao, thị trường ưa chuộng. Các giống lúa thuần như Bắc thơm số 7, Nam Định 1, Nam Định 5, QR2 cho năng suất khá, đặc biệt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao trong vụ xuân. Các giống lúa thuần mới BC15, TBR45 cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon song giống BC15 nhiễm bệnh đạo ôn do đó phải thận trọng khi mở rộng diện tích. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật lúa sạ hàng cho năng suất cao trên dưới 10% và hiệu quả kinh tế đạt trên 15% so với lúa cấy truyền thống, hoàn toàn phù hợp với điều kiện sản xuất vụ xuân ở tỉnh ta nên các địa phương tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích canh tác theo phương pháp này trong các vụ xuân tới. Sản xuất vụ lúa xuân năm 2012 đã khép lại đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao và tạo ra nhiều cái mới tích cực. Tuy nhiên vụ lúa xuân 2012 vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết như cơ cấu lúa lai của toàn tỉnh mới chỉ đạt 30% tổng diện tích, thấp hơn 15-20% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu thực hiện đúng cơ cấu 45-50% diện tích gieo cấy lúa lai thì bình quân năng suất sẽ không dừng lại ở 69 tạ/ha. Bên cạnh những CĐML thực hiện đúng tiêu chí áp dụng triệt để tiến bộ kỹ thuật lúa sạ hàng thì vẫn còn CĐML sản xuất tới 3 giống lúa, cấy lúa theo phương pháp truyền thống hoặc vừa gieo sạ vừa cấy. Một số địa phương còn cấy chậm theo lịch chỉ đạo của ngành NN và PTNT nên lúa trỗ gặp mưa, ảnh hưởng tới năng suất… Đây chính là những bài học hữu ích để các địa phương khắc phục cho những vụ sau./.
Bài và ảnh: Tất Thắc