Vấn đề tuyển dụng lao động ở Nam Hồng

07:08, 02/08/2012

Những năm qua, cùng với nghề dệt truyền thống phát triển mạnh mẽ ở làng Liên Tỉnh, một số doanh nhân ở Nam Hồng (Nam Trực) đã chủ động tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng phát triển thêm nhiều nghề mới như: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc hàng công nghiệp, sản xuất nhựa, chế biến nước giải khát... Hiện tại, trên địa bàn xã có 456 hộ kinh doanh cá thể, 17 doanh nghiệp lớn, nhỏ đều hoạt động hiệu quả, thu hút gần 2.000 lao động tham gia. Năm 2011, xã Nam Hồng đạt giá trị thu nhập 150 tỷ đồng từ lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu từ ngành nghề đã mang lại cho địa phương hơn 48 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch năm, góp phần đáng kể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương...

Công nhân học nghề may túi da tại Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan).
Công nhân học nghề may túi da tại Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan).

Bức tranh kinh tế ở Nam Hồng tiếp tục khởi sắc khi Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) đầu tư về địa phương xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm da nhân tạo, gia công các chế phẩm da trong linh kiện sản phẩm điện tử xuất khẩu. Từ đầu năm 2012 đến nay, Cty đang tập trung xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị hiện đại với tổng mức đầu tư gần 14 triệu USD. Hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động chính thức từ cuối năm nay, nhà máy sẽ đạt công suất 942.288 sản phẩm túi da, ví da, thắt lưng da và 50.000 sản phẩm khác mỗi năm. Cùng với đó, Cty CP cấu kiện bê tông Hoàng Anh sau nhiều năm khó khăn về tài chính đã tìm được nguồn vốn mới đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng sản xuất và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm cọc bê tông dự ứng lực với công suất 600.000m/năm. Đối với Cty TNHH Yamani Dynasty nhu cầu tuyển dụng lao động đầy đủ khoảng gần 4.000 người. Đây là cơ hội tạo việc làm không chỉ cho nhân dân xã Nam Hồng mà cả các xã lân cận như: Nam Thanh, Nam Lợi, Tân Thịnh, Nam Hoa, Nam Hùng; Thị trấn Cổ Lễ, xã Trực Chính (Trực Ninh)... Kết hợp với quá trình xây dựng nhà xưởng, hiện nay, Cty đã tuyển được 300 công nhân vào học nghề từng bước đáp ứng nhu cầu bố trí dây chuyền sản xuất chính thức khi nhà máy hoàn thành đầu tư. Theo ông Huang Po Yu, giám đốc hành chính Cty TNHH Yamani Dynasty thì người lao động học nghề tại Cty chẳng những không phải đóng góp bất kỳ khoản kinh phí nào mà còn được đơn vị trả tiền công 2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao hơn hẳn so với khoản tiền công mà người lao động đang hưởng tại một số doanh nghiệp dệt may ở Nam Hồng đã làm cho nhiều công nhân bỏ đơn vị cũ tìm đến đơn vị mới học nghề để làm việc lâu dài. Cùng với đó hệ thống nhà xưởng hiện đại, môi trường làm việc sạch đẹp, thoáng mát, ít bụi bẩn so với các doanh nghiệp dệt may cũng là điều kiện để Yamani Dynasty tìm kiếm được nhiều lao động có chất lượng vào làm việc. Đối với xã Nam Hồng, trong tổng số 11.500 nhân khẩu sinh sống ở 21 xóm, thôn thì chỉ có khoảng 3.000 người nằm trong độ tuổi lao động. Hằng năm, Nam Hồng lại có hơn 100 cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng càng làm cho thị trường lao động địa phương thêm khó khăn về nhân lực. Ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh luôn có tình trạng lao động đến các đô thị lớn tìm kiếm việc làm lúc nông nhàn nhưng tại xã Nam Hồng trong nhiều năm nay thì không có tình trạng đó do địa phương có rất nhiều công việc để lao động lựa chọn. Các doanh nghiệp lớn phát triển đi liền với việc thu hút nguồn lực lớn lao động vào làm việc dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Nam Hồng gặp khó khăn trong sản xuất. Theo khảo sát của địa phương, năm nay các Cty: Thành Đạt, Hoàng Phát, Nam Thành, Nam Hải đều rất khó khăn về nhu cầu tuyển thêm lao động, trong đó Cty May Nam Hải thiếu đến gần 100 lao động đang làm cho đơn vị phải dừng hẳn một dây chuyền sản xuất. Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng khẳng định: người lao động tìm đến môi trường làm việc mới tốt hơn, thu nhập cao hơn là điều bình thường trong kinh tế thị trường đang diễn ra gay gắt. Thông qua cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nam Hồng muốn tồn tại, phát triển, giữ chân được nhiều lao động giỏi thì trước hết phải có chiến lược đầu tư, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và trả lương cho công nhân phù hợp, sau đó là những bước đi lâu dài, bền vững xây dựng doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp, tiếp tục tạo ra sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu bền vững. Nhìn ở góc độ tích cực, cạnh tranh lao động là yếu tố cần thiết để các doanh nghiệp ở Nam Hồng có phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh phù hợp, góp phần bảo vệ tốt môi trường lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com