Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy, khả năng hiện thực hóa mục tiêu kinh tế xã hội được xác lập bởi những nhân tố tích cực, như: nhận thức và quyết tâm chính trị mới từ cấp cao nhất; sự nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo hướng tiếp tục thắt chặt, giảm bớt khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; xúc tiến đổi mới mô hình và cơ chế phát triển; sự dồi dào và giảm giá của các nguồn hàng hóa thiết yếu và lao động rẻ; sự năng động thương trường của đội ngũ doanh nghiệp; vị thế quốc tế và lòng tin của thế giới đối với tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam... Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế 6 tháng sẽ ra sao khi dư âm nhiều quan ngại?
Tốc độ giảm lạm phát nhanh - đáng ngạc nhiên so với kỳ vọng
Điểm đáng ghi nhận nhất là CPI trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm tốc khá nhanh, vượt mọi dự báo và tạo sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7-2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng 12-2011, CPI tháng 6-2012 tăng 2,52% so với tháng 12-2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành đạt mục tiêu lạm phát năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm. Ngoài ra, tỷ giá VND với USD rất ổn định (tăng 0,32%), chỉ số giá vàng khá ổn định (tăng 16,24%), tức chỉ bằng khoảng 1/2 so với mức tăng cùng kỳ của mấy năm trước.
Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy khả năng hiện thực hóa mục tiêu kinh tế - xã hội được xác lập bởi những nhân tố tích cực. |
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, CPI tính trong 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 với mức tới 12,2% vẫn là rất cao, thậm chí gấp tới 3-4 lần nếu so với mức lạm phát trung bình của khu vực và thế giới trong cùng kỳ so sánh.
Những dấu hiệu bất ổn
Thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy đang đậm dần lên một số dấu hiệu bất ổn kinh tế đáng lo ngại khác: Nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào của nhóm hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu, như dệt may, giày dép và có độ phụ thuộc cao vào nguyên vật liệu nhập ngoại... trong các tháng đầu năm 2012 giảm mạnh, cho thấy khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu thời gian tới. Huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng cao hơn cho vay, cho thấy rõ xu hướng người dân đang tiết giảm chi tiêu, doanh nghiệp hạn chế vay vốn đầu tư kinh doanh. Thêm vào đó, khả năng tín dụng ảo (nhất là cho vay để đảo nợ và để tăng tổng dư nợ) có thể xảy ra, khi các ngân hàng coi đó là một cách để giảm tỷ lệ nợ xấu, tránh bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt, bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp năm 2012 đang đậm dần xu hướng tăng nhanh trên phạm vi cả nước và ở mỗi địa phương số lượng các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, với đủ loại hình và quy mô gặp khó khăn, phải giải thể, dừng hoạt động có thời hạn hoặc không phát sinh doanh thu, thua lỗ, phá sản, nợ nần chồng chất và thu hẹp sản xuất - kinh doanh, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu khó khăn trong khi sức mua và thị phần trong nước thu hẹp... Nhiều doanh nghiệp không nộp thuế, bỏ trốn hoặc không thực hiện nổi các nghĩa vụ tài chính, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội ở cả cấp vĩ mô và vi mô. Tình trạng vay "nóng" hay xiết nợ hàng loạt hiện diễn ra khá phổ biến. Mối lo nợ đọng và phá sản gia tăng ở mọi ngành và doanh nghiệp, dù là đại gia, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiểu thủ công nghiệp, nhất là trong ngành kinh doanh BĐS, thép và chế biến thủy sản. Không ít doanh nghiệp chuyển từ sản xuất qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lúng túng và không đủ nguồn lực tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…
Triển vọng cuối năm 2012 - còn đó những quan ngại
Về triển vọng, mặc dầu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế, song, làn sóng doanh nghiệp trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không chịu nổi chi phí vốn và sản xuất cao; từ đó dễ làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, giảm sức mua thị trường và căng thẳng cân đối NSNN như một vòng xoáy lặp lại với mức độ ngày càng cao. Điều đó, đến lượt mình, có thể làm tăng bất ổn kinh tế - xã hội vĩ mô cũng như nguy cơ sụt giảm mạnh động lực tăng trưởng, thậm chí đứt gẫy các chuỗi giá trị gia tăng trong guồng máy tái sản xuất trong nước, cũng như quốc tế (ví dụ, đánh bắt hải sản với chế biến và xuất khẩu hải sản…); cũng như tăng làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp và thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối diện với sức ép lạm phát do khả năng tiếp tục mất giá các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như là hệ quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công và suy giảm kinh tế toàn cầu. Sức ép tăng CPI còn gia tăng do xu hướng ngày càng đậm dần hơn việc chuyển từ thắt chặt sang từng bước nới lỏng chính sách tài chính - tín dụng cả trên quy mô thế giới (được Mỹ cổ súy và Đức nhân nhượng), cũng như trong nước. Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, lãng phí và sự chi phối của lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi, trong khi cần những nhu cầu chi phí tài chính to lớn cho hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ổn định vĩ mô cũng tạo thêm sức ép bất ổn cho những thành quả kiềm chế lạm phát vừa qua của Việt Nam. Đồng thời, trong thời gian tới vẫn tiềm tàng làn sóng tăng giá hàng thiết yếu, như giá điện, sữa, nước sinh hoạt ở nhiều đô thị lớn…
Vì vậy để ổn định kinh tế vĩ mô cần nỗ lực phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn từ nhiều phía và nhiều loại công cụ, giải pháp…
Đề xuất những hiện tượng cần mạnh tay loại bỏ
Trong công tác quy hoạch và đầu tư công: hiện tượng sản xuất hàng loạt quy hoạch, chiến lược phát triển được xây dựng, thẩm định cẩu thả, với các dự án "dưới chuẩn”, cùng loại, cùng kiểu ở mọi địa phương, bất chấp các căn cứ khoa học, khả năng đầu tư thực tế và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật. Thậm chí, đó còn là vì động cơ riêng mà "đẻ non” hay tùy tiện thay đổi quy hoạch; quản lý dự án gian dối và tìm mọi sức ép tăng nợ công để có tiền đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng "khủng”, chất lượng thấp hoặc đầu tư không đúng lúc và đúng cách (kiểu "ném tiền qua cửa sổ”, con nhà nông muốn sắm "siêu ô tô” đi trồng khoai lang trên cánh đồng cạnh nhà), bất chấp hiệu quả KT-XH và gánh nặng trả nợ khổng lồ cho thế hệ sau.
Trong quản lý giá cả những ngành độc quyền, đó là hiện tượng giá cả chỉ có lên một chiều, hoặc lên nhanh, xuống chậm, với những độ vênh từ vài chục tới vài trăm phần trăm giữa giá nội với ngoại, bất chấp các xu hướng và động thái thị trường, cũng như lợi ích chính đáng và sự bất bình của người dân.
Trong cơ cấu phát triển ngành, đó còn là hiện tượng coi nhẹ hay bỏ rơi những ngành, nghề cần thiết cho ổn định và phát triển xã hội, nhưng lại bảo hộ "vô điều kiện” (?!) và kéo dài quá mức đối với một số ngành nghề, sản phẩm, mà chúng mang lại hay gắn với lợi ích nhóm. Đó còn là hiện tượng không muốn hay trì hoãn cổ phần hóa, lạm dụng tỷ lệ khống chế vốn nhà nước trong DNNN càng cao càng tốt như một biểu tượng mạnh mẽ của CNXH. Hơn nữa, đó còn là hiện tượng tư nhân hóa ngấm ngầm và "đục nước béo cò” trong cổ phần hóa, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mua - bán nợ theo giá cao và thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong bối cảnh nhiều mù mờ, "tranh tối, tranh sáng” hiện nay./.
Theo daidoanket.vn