Vật tư nông nghiệp (VTNN) có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo ước tính của Sở NN và PTNT, trung bình một năm, có hàng chục nghìn tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… phục vụ phát triển nông nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ VTNN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng cấm sử dụng đang có chiều hướng gia tăng.
Kiểm tra việc kinh doanh phân bón tại Cty TNHH Cung ứng vật tư nông nghiệp huyện Xuân Trường. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở kinh doanh VTNN, trong đó có 416 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 407 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 52 cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy hải sản, 789 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và 333 cơ sở kinh doanh phân bón. Để đảm bảo chất lượng VTNN, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường VTNN trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2011, các ngành chức năng đã tổ chức 9 cuộc thanh tra VTNN tại 76 cơ sở và lấy gần 50 mẫu VTNN để phân tích, giám định chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã tổ chức 5 cuộc thanh tra chuyên đề về sản xuất kinh doanh giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… tại 74 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN trong tỉnh. Kết quả cho thấy, bước đầu, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN đã thực hiện tốt quy định của pháp luật như xuất trình đăng ký kinh doanh, hợp đồng kinh tế với các đơn vị cung ứng sản phẩm, phiếu kiểm dịch động vật và đảm bảo cơ cấu giống lúa, cây màu, phân bón, thuốc BVTV như trong danh mục Bộ NN và PTNT cho phép. Tuy nhiên trong thực tế, một số cơ sở vẫn sai phạm trong việc kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV và thuốc thú y. Các sai phạm chủ yếu là: không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, bán hàng không đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố; bán hàng sai quy định ghi nhãn mác hàng hóa và kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng… Trong tháng 5-2012, lực lượng thanh tra liên ngành đã phát hiện Cty CP Vật tư tổng hợp Nam Ninh, xã Nam Thanh (Nam Trực) lưu trữ trên 10 tấn phân bón mang nhãn hiệu Việt Pháp: 10.2.10+TE và N+P+K do Cty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp sản xuất giả nhãn hiệu phân bón NPK. Qua phân tích, giám định, lượng phân bón trên có thành phần chính là bột đá vôi, hàm lượng NPK ở dưới mức 50% chỉ tiêu chất lượng công bố. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số phân bón trên và xử phạt theo quy định của pháp luật đối với Cty này. Mở rộng điều tra, các ngành chức năng đã phát hiện phân bón giả nhãn hiệu NPK được lưu hành chủ yếu ở huyện Nam Trực, một vài điểm kinh doanh VTNN trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Giao Thủy. Trước thực trạng này, Sở NN và PTNT đã khuyến cáo người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay không nên sử dụng các sản phẩm của Cty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng phát hiện sai phạm về một số chỉ tiêu chất lượng sản phẩm trên sản phẩm phân bón của các Cty CP Phân bón Sông Gianh, Cty CP Bảo vệ thực vật Miền Bắc, Cty Phú Nông (Ninh Bình). Trong đợt thanh tra chất lượng thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Thanh tra Sở NN và PTNT đã phát hiện một số mẫu thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng giai đoạn tôm từ 1-3 gram và 3-8 gram do Cty CP Thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam sản xuất có hàm lượng prô-tê-in thô dưới mức tiêu chuẩn công bố và có độc tố nấm mốc aflatoxin trong thức ăn; tiến hành xử phạt hành chính 20 triệu đồng, đồng thời yêu cầu Cty này thu hồi toàn bộ số thức ăn trên. Tại cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 5 đơn vị trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực và Thành phố Nam Định. Qua phân tích 12 mẫu thuốc thú y, đã phát hiện 5 mẫu thuốc thú y có sai phạm, trong đó có 2 nhãn hiệu thuốc thú y nằm ngoài danh mục là: thuốc Ox-Ampi đặc trị bệnh đậu gà do Cty Thuốc thú y Trường Hằng sản xuất; thuốc TĐ-TYLOSIN-500 đặc trị gà rù, gà toi do Cty Dược thú y Thăng Long sản xuất mang 2 nhãn hiệu khác nhau. Có 3 mẫu thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng bao gồm: TERAMYCINE-500 chữa bệnh cho gà do Cty TNHH Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Minh Huy sản xuất; thuốc T-T-S 10g/gói đặc trị gà rù, gà toi do Cty CP Thuốc thú y Đất Việt sản xuất và thuốc TD.TERRA500-F chống bại liệt ở gà do Cty TNHH Nam Dũng sản xuất. Đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuốc kém chất lượng đồng thời yêu cầu các Cty vi phạm thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số thuốc kém chất lượng.
Để hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất sạch, việc đảm bảo chất lượng VTNN không chỉ là trách nhiệm của các ngành chức năng mà cả người nông dân. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với các mặt hàng VTNN, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, các ngành chức năng, nhất là Sở NN và PTNT cần yêu cầu các đơn vị cung ứng VTNN trên địa bàn tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, cung ứng giống đảm bảo cơ cấu, chủng loại, chất lượng. Các cơ sở kinh doanh lựa chọn đơn vị cung ứng giống, các loại VTNN có uy tín, có khả năng cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh cần lập hồ sơ theo dõi và quản lý mẫu các lô hàng trước khi cung ứng cho các địa phương; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối VTNN./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương