Những mô hình làm giàu ở Giao An

07:07, 12/07/2012

Khu nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Phạm Văn Đăng ở xóm 15, xã Giao An (Giao Thủy) có diện tích gần 1ha với hơn chục ao nuôi ba ba, xung quanh các ao được rào bằng phi-brôxi măng và thiết kế hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín. Trung bình mỗi năm ông thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ nuôi ba ba. Ông Đăng nhớ lại: Đầu những năm 1990, gia đình ông thuộc diện nghèo của xã. Sau nhiều năm trăn trở ông đã đầu tư nuôi ba ba. Do vốn hạn hẹp, giống ba ba địa phương chậm lớn, đầu ra bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2003, nhân một chuyến đi vào miền Nam ông thấy giống ba ba lai giữa ba ba Đài Loan và ba ba Ma-lai-xia, hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật, ông đã học kinh nghiệm lai giống và mua con giống về lai. Lúc đầu ông lai giống để nuôi ba ba thương phẩm, nhưng nhận thấy trên thị trường chưa có nguồn cung cấp giống, ông Đăng mở rộng sản xuất ba ba giống để bán. Ông đã chuyển đổi gần một mẫu đất cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi ba ba. Hằng năm, gia đình ông cung ứng ra thị trường khoảng 2 vạn con ba ba giống với giá 10.000-20.000 đồng/con, có năm lên đến 6 vạn con. Mỗi năm ông Đăng còn bán 6-7 tạ ba ba thịt. Nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi ba ba. Hiện nay, toàn xã có hơn 30 hộ nuôi ba ba, nhiều hộ vươn lên làm giàu, có thu nhập cao từ ba ba như hộ các ông Trần Văn Dũng, Đoàn Văn Tiêu, Phạm Văn Lễ…

Trang trại chăn nuôi của anh Đinh Văn Hợp, xóm 14, xã Giao An cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi của anh Đinh Văn Hợp, xóm 14, xã Giao An cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Ở làng Điện Biên của xã hiện có khoảng 40 trang trại, gia trại chăn nuôi. Các trang trại đều được đầu tư khép kín, các trang trại cách nhau một khoảng không gian về cây xanh, mặt nước… vừa tránh lây lan dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường. Gia trại của gia đình anh Đinh Văn Hợp, xóm 14 rộng trên 1.200m2. Ban đầu, anh Hợp đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng gia trại thường xuyên nuôi 30 con lợn thịt, bình quân mỗi năm anh xuất bán 4-5 tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra, anh Hợp còn tổ chức nuôi gà thương phẩm, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Bình quân mỗi năm, anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Vườn cây cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn, ở xóm 12 rộng 3.600m2 chủ yếu là: sanh, tùng, đa, sung, si… được cắt tỉa, uốn tạo thế theo dáng cổ. Ông Mẫn cho biết, ông đã học hỏi kinh nghiệm chơi cây cảnh từ bạn bè. Ban đầu vốn nhỏ, ông trồng với quy mô nhỏ, chỉ sau một năm, ông đã thu lại được vốn và một khoản tiền lãi đáng kể. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ông Mẫn mua thêm cây giống và trồng những cây cảnh có dáng cổ, mua những cây sơ khai về uốn tạo dáng để bán. Mỗi năm, vườn cây cảnh cho gia đình ông thu nhập từ 400-500 triệu đồng. Hiện nay, có 160 hộ trong xã tham gia trồng cây cảnh, nhiều hộ có vườn cây cảnh lớn, với nhiều loại cây có giá trị, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu như gia đình các ông: Đỗ Xuân Cứ, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Dung (xóm 12)…

Thời gian tới, xã Giao An tiếp tục thực hiện quy hoạch các vùng trọng điểm nuôi trồng, kế hoạch sử dụng đất gắn với dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế trang trại và gia trại. Xã phấn đấu năm 2012 tổng giá trị thu nhập đạt 145 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com