Những mô hình con nuôi mới ở Liên Minh

08:07, 13/07/2012

Những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Liên Minh (Vụ Bản) đã mạnh dạn đưa một số con nuôi vào sản xuất như nuôi dế giống, dế thương phẩm, nuôi hươu lấy nhung và lợn rừng cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được anh em, bạn bè giới thiệu, động viên, năm 2009, anh Vũ Văn Tám ở thôn Ngõ Trang đã mạnh dạn tìm hiểu kỹ thuật và đầu tư nuôi dế. Ban đầu, anh Tám cũng có nhiều băn khoăn vì thị trường miền Bắc còn khá mới mẻ, tìm nơi tiêu thụ dế sẽ rất khó khăn. Qua quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy con dế có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, vốn đầu tư ban đầu không nhiều như các con nuôi khác… Anh Tám quyết định đầu tư xây dựng khu chuồng trại nuôi dế thương phẩm, dế giống. Anh Tám cho biết, mỗi lứa dế chỉ cần nuôi trong 50-60 ngày là có thể xuất bán, với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg. Thức ăn cho dế chủ yếu là các loại cỏ và cám hỗn hợp thường dùng nuôi gà con. Để dế khỏe, mau lớn anh cho dế ăn các loại mầm đậu, hằng ngày, thu dọn sạch thức ăn thừa, bảo đảm chuồng nuôi luôn sạch sẽ, hạn chế mầm bệnh phát sinh. Nhờ đó, đàn dế nuôi của anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, việc nuôi dế của anh đã đi vào ổn định, mỗi tháng anh bán được một lứa, trừ chi phí anh thu lãi từ 6 đến 8 triệu đồng. Riêng năm 2011, anh đã thu được hơn 50 triệu đồng từ nuôi dế.

Bác Nguyễn Thị Điểm với nghề nuôi lợn rừng.
Bác Nguyễn Thị Điểm với nghề nuôi lợn rừng.

Cùng nuôi những “con nuôi lạ” ở xã Liên Minh còn có hộ bác Nguyễn Thị Điểm ở thôn Cầu Ngố chuyên nuôi lợn rừng. Là người tiên phong của xã đầu tư vào nuôi lợn rừng, ban đầu chỉ với 2 con lợn rừng nái giống, đến nay bác Điểm đã gây dựng được 8 lợn nái và hai lợn đực sinh sản. Theo kinh nghiệm của bác Điểm: Nuôi lợn rừng dễ hơn so với nuôi các loại lợn khác. Lợn rừng ăn tạp, chủ yếu là rau, củ, quả, cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp, dễ kiếm, chi phí thức ăn ít. Chuồng trại cũng đơn giản, chỉ cần cách xa khu dân cư và đường sá. Chỗ nuôi lợn rừng nên có nhiều cây xanh, có chỗ để lợn tránh trú nắng, mưa. Cứ 9 tháng, lợn rừng đẻ 1 lứa và sau từ 4 đến 6 tháng là có thể xuất bán. Với giá bán như hiện nay, giá lợn rừng giống khoảng 280 nghìn đồng/kg và lợn thương phẩm từ 150-200 nghìn đồng/kg, nuôi lợn rừng thu lãi gấp 6-8 lần so với các giống lợn khác. Mỗi năm gia đình bác Điểm có nguồn thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng từ nghề nuôi lợn rừng. Thời gian qua, bác Điểm còn hướng dẫn cho nhiều gia đình trong và ngoài xã cùng phát triển nghề nuôi mới này.

Trên địa bàn xã Liên Minh còn có mô hình nuôi hươu lấy nhung và gây hươu giống của gia đình anh Đào Văn Khải, ở thôn Tứ Giáp. Năm 2009, anh Khải nuôi thử nghiệm 6 con hươu, trong quá trình nuôi, anh đã dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thức ăn chủ yếu của hươu là các loại lá cây và cỏ nên anh Khải tận dụng những loại cây sẵn có trong vườn nhà như lá mít, cỏ voi, chuối, sung... để làm thức ăn cho hươu. Một con hươu trưởng thành ăn khoảng 5kg cỏ hoặc lá/ngày. Vào mùa cắt nhung, anh cho hươu ăn thêm tinh bột để chất lượng nhung tốt hơn. Chuồng nuôi hươu cũng đơn giản, mỗi con chỉ cần diện tích vài mét vuông, xung quanh quây lưới B40 hoặc các tấm lợp để che mưa, nắng cho hươu. Sau 2 năm nuôi, hươu đực bắt đầu ra sừng, còn gọi là nhung. Người nuôi có thể cắt nhung từ tháng chạp đến tháng ba âm lịch. Bình thường mỗi cặp nhung hươu nặng từ 600 đến 700 gram nhưng nếu hươu được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, biết thúc đúng thời điểm, có cặp nhung nặng đến gần 1kg. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc và được khử trùng cẩn thận, cắt xong phải cầm máu nhanh bằng các loại thuốc lá để tránh làm hươu mất sức. Sau đó cho hươu ăn nhiều hơn ngày thường và bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng phục hồi nhanh. Nếu chăm sóc tốt, hươu có thể cho nhung đến gần 20 năm. Hiện tại, nhu cầu nhung hươu trên thị trường rất lớn, với giá từ 1 đến 1,8 triệu đồng/100 gram nhung hươu. Không chỉ lấy nhung, anh Khải còn nuôi thêm hươu cái để sinh sản. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần. Trên thị trường, một con hươu giống từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 12-13 triệu đồng/con. Nhờ nuôi hươu, mỗi năm gia đình anh Khải có nguồn thu nhập từ 50-60 triệu đồng.

Với những cách làm sáng tạo, lựa chọn những con nuôi mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, các hộ gia đình ở xã Liên Minh đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Từ những thành công ban đầu này đã thu hút một số hộ nông dân trong xã đến học hỏi kinh nghiệm nhằm đa dạng hóa vật nuôi tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com