Những khó khăn phát sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vụ Bản

07:07, 31/07/2012

Trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Vụ Bản phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành xây dựng thí điểm NTM đợt 1 tại 6 xã, thị trấn là: Liên Minh, Hiển Khánh, Minh Thuận, Minh Tân, Trung Thành và Thị trấn Gôi đạt 19 tiêu chí của UBND tỉnh; 12 xã còn lại sẽ cơ bản đạt từ 14-15 tiêu chí. Đến năm 2020, cả 18 xã, thị trấn của huyện hoàn thành xây dựng NTM.

Sản xuất đồ gỗ tại Cty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Hải, CCN Trung Thành (Vụ Bản).
Sản xuất đồ gỗ tại Cty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Hải, CCN Trung Thành (Vụ Bản).

Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong gần 2 năm qua, huyện Vụ Bản đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tuy nhiên theo đánh giá của UBND huyện, tại các xã, thị trấn làm điểm xây dựng NTM đợt 1 đã bộc lộ những khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Tại các xã: Minh Thuận, Minh Tân, Trung Thành… việc huy động vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, do điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân chưa phát triển. Tổng nguồn vốn huy động trên toàn huyện đến ngày 20-7-2012 mới chỉ đạt 208 tỷ 223 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm 128 tỷ 116 triệu đồng; vốn đóng góp của nhân dân mới đạt 39 tỷ 995 triệu đồng (gồm cả 11 tỷ 892 triệu đồng quy thành tiền từ diện tích hiến đất); vốn doanh nghiệp và nguồn vốn khác đạt 40 tỷ 112 triệu đồng… Để thực hiện 19 tiêu chí của chương trình NTM, cần phải có vốn và nguồn vốn chủ yếu được xác định là từ nội lực của địa phương. Trên thực tế, thời gian qua các xã, thị trấn đều chỉ tập trung vốn vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng bố trí vốn cho phát triển sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, tổng giá trị thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 221 tỷ 207,12 triệu đồng; trong đó giao thông đạt 59 tỷ 392,2 triệu đồng; thủy lợi đạt 12 tỷ 404,7 triệu đồng; điện đạt 12 tỷ 680 triệu đồng; trường học đạt 54 tỷ 573 triệu đồng… Vốn đầu tư cho phát triển sản xuất chỉ là 2 tỷ 111,5 triệu đồng; vốn đào tạo nghề đạt 759,35 triệu đồng. Từ thực trạng trên cho thấy nội dung các quy hoạch, đề án xây dựng NTM, phát triển sản xuất của các xã, thị trấn còn rất sơ sài. Phần tính toán nhu cầu vốn của quy hoạch NTM ở mức quá cao, không bám sát với thực tế hoặc vượt quá khả năng thực hiện của địa phương. Bên cạnh đó, tiến độ dồn điền đổi thửa (DĐĐT) chậm cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ triển khai các nội dung đề án xây dựng NTM, phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch của huyện sẽ hoàn thành công tác DĐĐT trong năm 2011 tại 4 xã nhưng đến nay mới chỉ có xã Minh Tân đã hoàn thành còn lại 3 xã Trung Thành, Hiển Khánh, Minh Thuận đều chưa giao ruộng thực địa do chưa thống nhất được phương án chia đất. Trong khi đó, việc quy hoạch lại quỹ đất, bố trí hợp lý cho sản xuất và phát triển các điều kiện hạ tầng phục vụ phát triển giao thông, văn hóa chỉ có thể thực hiện tốt sau khi đã hoàn thành DĐĐT. Đồng chí Trần Quang Thoa, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đều chưa được các địa phương thực hiện. Giai đoạn đầu, cả 6 xã làm điểm chương trình xây dựng NTM đều chủ trương bám sát đề án được duyệt và ưu tiên thực hiện nhiệm vụ huy động, tiếp cận tối đa các nguồn vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hầu hết các xã, thị trấn mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng, tu bổ hệ thống các công trình thủy lợi nội đồng, giao thông phục vụ sản xuất, thu hoạch và xuất bán nông sản. Công tác quy hoạch sản xuất mới thực hiện tại 4 xã đã tiến hành DĐĐT với 245 vùng sản xuất; trong đó có 104 vùng sản xuất lúa, 50 vùng sản xuất lúa - màu; 31 vùng nuôi thủy sản và 55 vùng kinh tế trang trại. Trong chương trình phát triển CN-TTCN gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, các xã, thị trấn đã tích cực khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho các làng nghề, ngành nghề và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tuy nhiên đến nay, các xã, thị trấn mới chỉ tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề do hoạt động dạy nghề được sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí đào tạo. Các doanh nghiệp tại địa phương, nhất là khối doanh nghiệp làng nghề của 6 xã, thị trấn xây dựng NMT đợt 1 cũng đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể như nghề sản xuất hàng mây tre đan tại xã Liên Minh, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới nên các đơn hàng xuất khẩu ngày càng có số lượng nhỏ, toàn xã chỉ còn 2 doanh nghiệp làm nghề. Trong năm qua, công tác huy động đầu tư, mở rộng sản xuất CN-TTCN theo quy mô lớn và bền vững dù đã được các ngành chức năng chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhưng do kinh tế khó khăn nên mới chỉ có 2 xã Trung Thành, Minh Tân kêu gọi được một số doanh nghiệp mới đầu tư các dây chuyền gia công hàng may mặc, nhưng quy mô còn hạn chế… Từ những khó khăn trên, tốc độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM của các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Vụ Bản còn chậm. Đến nay, mới có xã Hiển Khánh có số tiêu chí vượt cao nhất là 5 tiêu chí, đạt 12/19 tiêu chí; Thị trấn Gôi đạt 13 tiêu chí và xã Minh Tân đạt 7 tiêu chí (tăng thêm 3 tiêu chí), xã Trung Thành đạt 8 tiêu chí (tăng thêm 2 tiêu chí), xã Minh Thuận đạt 5 tiêu chí (tăng 1 tiêu chí). Hầu hết các tiêu chí mới đạt được của 6 xã, thị trấn đều nằm trong nhóm tiêu chí về thực hiện quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, chợ nông thôn. Xã Hiển Khánh là xã có thành tích cao nhất về chất lượng các tiêu chí đã tăng nhờ cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, với 8% lao động nông nghiệp chuyển sang lao động ngành nghề dịch vụ.

Qua thực tế, có thể thấy, trong quá trình xây dựng NTM vừa qua, vai trò phát triển kinh tế của các hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương còn mờ nhạt. Trong khi, để phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn, hợp tác xã và doanh nghiệp tại địa phương có vai trò đầu tàu trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực điều hành, thực hiện chương trình xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp còn nhiều hạn chế. Hiện tại, huyện Vụ Bản đang nỗ lực rà soát, đánh giá lại những điểm tích cực, hạn chế trong quá trình thực hiện để có thể điều chỉnh, khắc phục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com