“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Vì sao sóng vẫn lặng?

08:07, 20/07/2012

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chẳng mấy chốc đã “lên 4 lên 5 tuổi”. Vậy mà những kết quả thu được vẫn chưa có màu sắc, chưa để lại nhiều ấn tượng, mặc dù Bộ Công thương đã có nhiều chủ trương và hành động, phối hợp với nhiều đơn vị phát huy sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động rộng khắp trong cả nước. Nào là những đợt “Đưa hàng về nông thôn”, “Hàng Việt vào chợ truyền thống”, “Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống”.... Nhưng, “nếu chúng ta không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chỉ có thể dừng lại ở góc độ phong trào”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã có nhận xét xác đáng như vậy. Để cuộc vận động đi tới thắng lợi, cũng là đi tới khát vọng đích thực của nền kinh tế nước nhà, thiết nghĩ vẫn phải “mài cho thật sáng” những chuẩn mực “sống còn” của một nền sản xuất hàng hoá năng động.

“Nội vật ngoại!”

“Nội vật ngoại”- hàng bán trong nước chất lượng tốt hơn hàng xuất khẩu!. Đó tưởng như một nghịch lý, nhưng chính là một chuẩn mực hầu như bất di bất dịch của người Nhật. Nhưng có lẽ, không chỉ với Nhật Bản mà với Trung Quốc, Hàn Quốc…, hàng bày bán trong nước thường bền chắc (chất lượng) hơn hàng bán ra ngoài nước. Phần lớn những người đi thăm quan, du lịch những nước này về đều có nhận xét tương tự. Chính nhờ thực thi tốt nguyên lý ấy mà thị trường trong nước ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… luôn đóng vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế quốc dân. Cũng thấu hiểu thực tế đó, khi triển khai cuộc vận động, các chuyên gia Công thương nước ta cũng đã nghĩ ngay tới thị trường nông thôn đầy tiềm năng, và sớm tổ chức nhiều đợt đưa hàng về nông thôn, cả những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa. Chỉ tiếc rằng, hiệu quả chưa cao, chưa mang tính bền vững. Trong tình hình hiện nay, đặc biệt là từ nay đến hết năm, vai trò của thị trường trong nước càng nổi, bởi xuất khẩu hàng hoá đang từng bước tăng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 đang đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh so với năm trước. Trong bối cảnh đó, kết hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc chú trọng tập trung phát triển thị trường trong nước là lời giải hữu hiệu cho bài toán kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Đông đảo người dân tham gia cuộc đi bộ vận động
Đông đảo người dân tham gia cuộc đi bộ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trên hết vẫn là lợi ích của “thượng đế”

Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả nguyên lý “nội vật ngoại”, để thị trường trong nước phát triển năng động và bền vững…, không phải là cứ tăng cường đẩy hàng về nông thôn, cứ tung hàng ra thị trường với chiêu quảng cáo đáp ứng thị hiếu mùa vụ…, thậm chí là vận dụng thủ thuật “giảm giá” hay “khuyến mại”, mà trước tiên và trên hết là cần đề cao lợi ích của người tiêu dùng.  

Một câu hỏi vẫn được trăn trở lâu nay là: Vì sao người tiêu dùng nước ta “chưa yêu” hàng nội?. 

Mẫu mã đơn điệu, nhưng giá lại cao hơn hàng Trung Quốc; mẫu mã, giá cả không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Đó là nhận xét chung của đông đảo người tiêu dùng. Nhưng thời gian gần đây tình hình này đã được cải thiện. Song người tiêu dùng vẫn chưa mê. Bởi đơn cử trường hợp hàng may mặc, mang nhãn mác của một “đại gia” (không tiện nêu tên), thì khoá dây chóng hỏng, hoặc túi chóng rách, cổ áo chóng sờn, sứt chỉ, long khuy… Thậm chí “chi tiết cực nhỏ” nhưng liên quan đến quyết định của người mua là: Cái túi rộng hay hẹp, có phù hợp với lứa tuổi hay công việc của người tiêu dùng hay không?... Rất tiếc đã không được nhà sản xuất quan tâm đầy đủ. Phải nhấn mạnh, ở nước ta hiện nay, người tiêu dùng (kể cả ở nông thôn, miền núi) ngày một kỹ tính hơn, khó tính hơn, nhờ hiểu biết thông qua nhiều kênh thông tin. Vì vậy, không chỉ rẻ mà người ta mua. Mặt khác, “tình yêu” với hàng nội giảm sút còn do tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan một cách nghiêm trọng, trong khi luật pháp thiếu những chế tài đủ sức răn đe. Tình hình này ở nước ta đã đến mức báo động bởi “tính phá hoại” kinh tế của nó chưa được tính toán và lên án nghiêm khắc. Được biết, ở Nhật những trường hợp hàng giả, hàng nhái bị pháp luật trừng trị rất nghiêm ngặt, kể cả biện pháp đóng cửa, hoặc tiêu hủy tất cả hàng giả, chưa kể phạt nặng tiền và bỏ tù. Rõ ràng, chừng nào còn nhẹ tay với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… thì việc quyết định mua sắm hàng nội vẫn là một thách thức đối với đông đảo người tiêu dùng, nhất là đối với những trang thiết bị cần mua sắm trong đấu thầu những dự án.

Hàng nội chưa lên ngôi ngang tầm đòi hỏi của nền kinh tế còn do khâu tổ chức phân phối yếu kém. Về mặt này, nhiều chuyên gia đã nhắc nhở những tấm gương mà các nhà sản xuất kinh doanh Việt Nam cần học tập từ những Tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như Unilever, Dutch Lady, P&G, Pepsi, Nestle… Họ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng bằng đủ loại phương tiện, phù hợp với từng địa phương như xe máy, xe đạp, ghe xuồng… Thông tin cho thấy, năm 2010 thị trường nông thôn đã đóng góp 50% doanh thu của Unilever… Có ý kiến đề xuất, Nhà nước cần tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước để họ có thể đưa hàng nhiều hơn về nông thôn… vì chi phí vận chuyển cao. Nhưng, theo bình luận của các chuyên gia kinh tế, việc Nhà nước tăng cường trợ cấp cho việc này không phải là thượng sách; việc này phải do chính nhà sản xuất kinh doanh tự làm, nếu không muốn đóng cửa hay phá sản. Bởi đó là đòi hỏi của thương trường, không ai có thể làm thay doanh nghiệp như thời bao cấp được.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Đó là sự nghiệp phấn đấu gian khổ của chính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà luật pháp và chính sách nhà nước chỉ là công cụ tiếp sức cho họ./.  

Theo Báo Kinh tế Việt Nam
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com