Lãi suất cho vay hạ - Vốn cho vay doanh nghiệp vẫn dư thừa (?)

07:07, 19/07/2012

Đến ngày 30-6-2012, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và tăng 2,15% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ở khối doanh nghiệp chiếm 9.360 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là con số đáng suy nghĩ trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu về vốn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đều khẳng định luôn sẵn sàng về nguồn vốn để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Điều khiến doanh nghiệp lo lắng và chưa tiến hành vay vốn là do lãi suất ngân hàng cao. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ hạ lãi suất của ngành ngân hàng diễn biến rất nhanh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, NHNN đã có 5 lần giảm mức lãi suất điều hành và 4 lần ra quyết định hạ trần lãi suất huy động đầu vào để kéo lãi suất cho vay xuống. Đặc biệt, NHNN còn quy định lãi suất cho vay tối đa đối với 4 lĩnh vực, trong đó có cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho vay ngành công nghiệp phụ trợ không quá 13%/năm. Tính bình quân, trong 6 tháng qua, mức lãi suất ngân hàng đã hạ từ 3-6%/năm. Theo số liệu thống kê của NHNN tỉnh, trong 6 tháng đầu năm mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng nguồn vốn huy động lại gia tăng. Đến hết ngày 30-6-2012, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 14.486 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với đầu năm. Không chỉ sẵn vốn huy động, các ngân hàng đều khẳng định sẽ được hội sở chính bổ sung vốn cho vay nếu các chi nhánh ngân hàng của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu về vốn. Tuy nhiên, đến nay mới có 1.416 doanh nghiệp có dư nợ tại ngân hàng, chiếm 37,3% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần vốn, lãi suất vốn vay hạ thì đây là điều nghịch lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn còn khó khăn, đặc biệt là không tiêu thụ được sản phẩm, thậm chí một số doanh nghiệp trong tỉnh còn đang nợ các ngân hàng với mức lãi suất cao. Nhưng do trước đây vay bằng cầm cố tài sản, hiện sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ được nên chưa trả được nợ nên dù thấy lãi suất hạ, doanh nghiệp không có biện pháp tiếp cận. Thống kê cho thấy, hiện nay đang có tới gần 11.000 tỷ đồng vốn vay (chiếm 79,74%) và chủ yếu là cho vay doanh nghiệp vẫn là vốn vay với lãi suất trên 15%. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang vay vốn tại ngân hàng còn lâm vào tình trạng khó khăn, khó có khả năng trả nợ, muốn vay để cải thiện tình hình cũng không đủ điều kiện. Các ngân hàng đã gia hạn nợ vay đối với 37 doanh nghiệp nhưng hiện vẫn còn 129 doanh nghiệp gặp khó khăn về khả năng trả nợ, chiếm khoảng 9% tổng số các doanh nghiệp đang có dư nợ. Các doanh nghiệp này muốn vay để khắc phục khó khăn thì các ngân hàng cũng không thể mạo hiểm cho vay.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành Ngân hàng. Ảnh: Internet
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của ngành Ngân hàng. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của tình trạng vốn sẵn, lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng lại từ chính các ngân hàng. Để được vay vốn, các doanh nghiệp phải có đủ điều kiện theo quy định của mỗi ngân hàng đề ra. Đáng nói là, việc đáp ứng các “điều kiện” này rất khó khăn. Theo thống kê của các ngân hàng trong tỉnh, từ đầu năm đến nay chỉ có 74 hồ sơ đề nghị được vay vốn của các doanh nghiệp bị từ chối vì không đáp ứng đủ điều kiện đề ra của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế số hồ sơ trên là của các doanh nghiệp đã đáp ứng được một số điều kiện để được vay, còn phần đông các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khác sau khi xem xong điều kiện vay vốn, biết rõ không đủ điều kiện nên… không làm hồ sơ. Chính vì vậy, đến nay số doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của tỉnh trong 6 tháng đầu năm rất ít. Tổng nguồn vốn cho vay với lãi suất tối đa đến 13%/năm hiện nay chỉ đạt tỷ trọng 6,93%. Ông L.V.T, Giám đốc Cty T (TP Nam Định) bức xúc: “Ngân hàng nào cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực, có khả năng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp thì mới cho vay nhưng với mức vay quá thấp, không đủ vốn để doanh nghiệp đầu tư. Trong thời điểm khó khăn này, có mấy doanh nghiệp chứng minh được điều đó(?)”. Lãnh đạo các ngân hàng đều thừa nhận là điều kiện cho vay hiện nay rất khắt khe. Cùng với việc thông báo hạ lãi suất, các ngân hàng đều tăng cường về điều kiện cho vay. Lý giải điều này, lãnh đạo các ngân hàng đổ lỗi cho hội sở chính quyết định, ban hành điều kiện cho vay, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ thừa hành. Một vài ngân hàng còn lý giải do nhiều doanh nghiệp của tỉnh khó khăn về khả năng trả nợ, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng của tỉnh có xu hướng gia tăng (hiện đang là 2,5%, tăng 0,56% so với cuối năm 2011) nên ngân hàng phải xiết chặt quy định cho vay để bảo đảm an toàn tín dụng.

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Với việc Chính phủ liên tục ban hành các quyết định hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp. Bên cạnh việc kiến nghị với hội sở chính nới lỏng về điều kiện cho vay để mở rộng số lượng, nguồn vốn đến doanh nghiệp, cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc xử lý hàng tồn kho, tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm… để phát huy hiệu quả vốn vay. NHNN tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo mức lãi suất huy động vốn và cho vay, đặc biệt trong việc thực hiện cam kết của các ngân hàng về việc đảm bảo cung ứng vốn cho doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển./.

Văn Đông



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com