Hơn 70% người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt

07:07, 24/07/2012

Người tiêu dùng đang ngày càng đánh giá cao chất lượng hàng sản xuất trong nước - đây là nhận định của Bộ Công thương sau 3 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Kết quả khả quan

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và miền núi, hải đảo còn hạn chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với sự nỗ lực của các địa phương và các doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa đã góp phần quảng bá cho những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, ngành hàng ngay tại thị trường trong nước và tạo cơ hội để người tiêu dùng cả nước tiếp cận hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Nhiều hoạt động thiết thực được các địa phương và doanh nghiệp tổ chức như: đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt khuyến mại, hội chợ, triển lãm hàng Việt...

Xu hướng tiêu dùng mới của người Việt Nam là ngày càng đánh giá cao hàng trong nước.
Xu hướng tiêu dùng mới của người Việt Nam là ngày càng đánh giá cao hàng trong nước.

Tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm ước đạt 1.141 nghìn tỷ đồng, tăng 19,88% so với cùng kỳ năm 2011. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 685 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chênh lệch cán cân thương mại vì thế đã được thu hẹp, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2011. Có được những kết quả tích cực đó có đóng góp không nhỏ từ chủ trương của cuộc vận động.

“Gió đổi chiều” nhờ hàng Việt tốt lên

Xu hướng tiêu dùng mới của người Việt Nam là ngày càng đánh giá cao hàng trong nước. Trước khi có cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, theo điều tra của Tập đoàn Grey Group (Mỹ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng hóa nước ngoài, chỉ 23% tin dùng các sản phẩm trong nước. Đến nay, theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại các vùng nông thôn, người dân cũng bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90%.

Hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và chăm sóc sau bán hàng. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, chương trình cũng còn tồn tại một số bất cập như chiến dịch truyền thông chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ, triển lãm chỉ mới dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa gây dựng được uy tín của thương hiệu Việt. Thậm chí, vẫn còn hiện tượng lợi dụng khuyến mại để gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả chưa cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa, tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... Bộ Công thương tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như: khảo sát thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến về thị trường nông thôn, khu công nghiệp, xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt ở vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống chợ truyền thống và các hợp tác xã bán hàng Việt....

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com