Hoạt động của Ban Nông nghiệp xã và HTXNN - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

07:07, 27/07/2012

Qua gần 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban nông nghiệp xã (BNNX) đã khẳng định được vai trò quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành sản xuất NN và PTNT ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho HTXNN tập trung làm tốt nhiệm vụ kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

I - Kết quả bước đầu

Thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ NN và PTNT và Bộ Nội vụ về tăng cường quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với NN và PTNT, đầu năm 2009 UBND tỉnh đã chỉ đạo mỗi huyện, thành phố chọn 2 xã, thị trấn (riêng huyện Vụ Bản chọn 3 xã) làm điểm thành lập BNNX và hoạt động theo 10 nhiệm vụ cụ thể. Đến tháng 1-2010 UBND tỉnh quyết định thành lập BNNX ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản xuất nông nghiệp. Đến 31-3-2010 toàn bộ 211 xã, phường, thị trấn có hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thành lập BNNX. Tuỳ theo quy mô, số thành viên, BNNX có 5-7 người gồm trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã, phó ban và các nhân viên kỹ thuật, gồm khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật (BVTV), thú y, giao thông thuỷ lợi và quản lý đê nhân dân (những xã, phường, thị trấn có đê). Riêng 2 xã Nam Mỹ và Nam Hải (Nam Trực), đồng chí Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm trưởng BNNX. 98 BNNX đã bố trí phó ban, trong đó 15 BNNX có 2-3 phó ban; riêng huyện Hải Hậu hầu hết các chủ nhiệm HTXNN là phó ban BNNX. Ngoài phụ cấp cho các thành viên trong BNNX, từ năm 2011 UBND tỉnh đã quyết định cấp kinh phí hoạt động cho BNNX là 20 triệu đồng/xã/năm. Để nâng cao kiến thức, năng lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực cho cán bộ BNNX, năm 2010 Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở 9 lớp tập huấn về chức năng quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với NN và PTNT, nhiệm vụ của BNNX, kỹ thuật khuyến nông - khuyến ngư, BVTV, chăn nuôi, thú y, thuỷ lợi, quản lý đê điều và PCLB; năm 2011, tổ chức 10 lớp tập huấn cho trên 700 lượt cán bộ nhân viên BNNX về chăn nuôi, thú y, BVTV, khuyến nông - khuyến ngư… Sau khi thành lập, cả 211 BNNX của tỉnh đã xây dựng được quy chế hoạt động, phân công, phân việc cho từng thành viên và nhanh chóng đi vào hoạt động. BNNX đã đảm nhận công tác xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp như cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ gieo cấy lúa, cây màu, kế hoạch tưới tiêu nước và các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ; chỉ đạo điều hành sản xuất thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất và trên hệ thống đài truyền thanh của xã, HTX đến tận các hộ nông dân… BNNX đã tham mưu cho UBND xã ban hành các quyết định, thông báo và hướng dẫn để chỉ đạo điều hành sản xuất trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, ngành nghề nông thôn…, đồng thời tham gia tích cực trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền đổi thửa; quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng; xây dựng các mô hình chuyển đổi, cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng và con nuôi. Ngoài ra, BNNX đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, dự tính, dự báo, kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, thông báo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân chủ động phòng, diệt trừ sâu bệnh. BNNX còn bám sát nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới giúp cho các hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng quy hoạch và tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Năm 2011, các BNNX trong tỉnh đã phối hợp với các trạm khuyến nông huyện, doanh nghiệp tổ chức trên 700 lớp tập huấn với hơn 67 nghìn lượt người về quy trình gieo thẳng lúa bằng công nghệ sạ hàng, quy trình chăn nuôi tốt trong chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật nuôi cá bống bớp, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ngao… cho nông dân. Toàn tỉnh đã xây dựng trên 250 mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản… Nhiều mô hình điển hình, hiệu quả kinh tế cao có thể nhân ra diện rộng như: Khảo nghiệm đánh giá thuốc BVTV, nuôi tôm he chân trắng năng suất cao ở huyện Hải Hậu; sử dụng máy gặt đập liên hoàn ở huyện Xuân Trường; trình diễn lúa Thiên ưu 1025 ở huyện Nam Trực; khảo nghiệm giống lạc L26 ở huyện Ý Yên; trồng hoa ly, nuôi ba ba của Thành phố Nam Định… BNNX đã thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra các HTXNN, các thôn xóm tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, thuỷ lợi nội đồng, điều hành tưới tiêu nước phục vụ sản xuất theo quy trình kỹ thuật thâm canh. 95% BNNX xây dựng kế hoạch, phương án “4 tại chỗ” trong PCLB; phát hiện xử lý 269 vụ vi phạm đê điều trên địa bàn, 29 BNNX tổ chức diễn tập PCLB… BNNX đã từng bước nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn, thông báo lịch và trực tiếp tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hầu hết các BNNX đều có báo cáo định kỳ tình hình dịch bệnh, chăn nuôi thú y về các trạm thú y huyện… Qua đánh giá xếp loại, sau gần 3 năm hoạt động, đến nay 15% số BNNX đạt loại giỏi, 58% BNNX đạt loại khá, 25% BNNX đạt trung bình và 2% BNNX hoạt động yếu.

Bơm nước chống úng vụ xuân năm 2012 của HTX Trực Chính (Trực Ninh).
Bơm nước chống úng vụ xuân năm 2012 của HTX Trực Chính (Trực Ninh).

BNNX được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho các HTXNN chuyển hẳn sang nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho xã viên phát triển kinh tế hộ. Toàn tỉnh hiện có 327 HTXNN, diêm nghiệp và thủy sản, giảm 8 HTXNN và diêm nghiệp so với trước do sáp nhập thành HTX quy mô toàn xã. Bộ máy quản lý HTX được tổ chức tinh giản, gọn nhẹ. Bình quân mỗi HTX có 14 cán bộ quản lý gián tiếp, giảm 40-50% so với trước. Đại hội xã viên HTXNN, diêm nghiệp nhiệm kỳ 2009-2014 đã chuyển mạnh hoạt động sang sản xuất, kinh doanh dịch vụ với tên gọi HTXNN dịch vụ (HTXNNDV) bỏ các khoản thu đầu sào mà chỉ thu các dịch vụ thiết yếu. Năm 2011, các HTXNNDV của tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động dịch vụ để hỗ trợ kinh tế hộ xã viên. Tùy theo trình độ và năng lực tổ chức quản lý, bình quân mỗi HTXNNDV đảm nhận 3-5 dịch vụ thiết yếu và các dịch vụ thỏa thuận phục vụ các hộ nông dân. Hiện tại, 100% HTXNNDV thực hiện dịch vụ tưới tiêu, tu bổ hệ thống thủy lợi nội đồng; hầu hết HTXNNDV thực hiện dịch vụ làm đất; 13 HTXNNDV tham gia xây dựng, quản lý, khai thác công trình nước sạch; 35 HTXNNDV tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; 183 HTXNNDV cung ứng 40% lượng giống cho xã viên và 162 HTXNNDV cung ứng phân bón; 10 HTXNNDV có kho lạnh bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên; 35 HTXNNDV làm dịch vụ tín dụng nội bộ, vừa huy động vốn vừa cho xã viên vay; 23 HTXNNDV đã tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom và chôn lấp rác thải; 4 HTXNNDV: Xuân Phương (Xuân Trường), An Thắng (Hải Hậu) tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nghề thủ công, Trực Cát (Trực Ninh) kinh doanh xăng dầu, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm… Đơn giá thu các dịch vụ thiết yếu của các HTXNNDV đều giảm so với trước, trung bình giảm 4 nghìn đồng/sào/vụ. Nếu tính tổng số tiền giảm thu từ đầu sào mỗi vụ, toàn tỉnh giảm trên 9 tỷ đồng. Mặc dù giảm thu nhưng các HTXNNDV hoạt động kinh doanh đều có hiệu quả. Tổng doanh thu của các HTXNNDV của tỉnh năm 2011 đạt 367 tỷ đồng; doanh thu bình quân mỗi HTXNNDV đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 12%. Lãi bình quân 1 HTXNNDV là 50 triệu đồng/năm. Tổng nguồn vốn bình quân 1 HTXNNDV hiện nay là 1,561 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn cố định bình quân là 1,088 tỷ đồng/HTX, vốn lưu động bình quân 473 triệu đồng/HTX. Các HTXNNDV của tỉnh đã xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động, đáp ứng với yêu cầu tổ chức sản xuất trong điều kiện kinh tế hộ quy mô nhỏ, vừa bảo đảm được quyền tự chủ của hộ vừa giữ vững được vai trò xây dựng và chỉ đạo thực hiện điều hành sản xuất theo kế hoạch tập trung, thống nhất của địa phương. Thông qua các mô hình trình diễn do HTXNNDV thực hiện hoặc phối hợp thực hiện, các tiến bộ kỹ thuật mới nhanh chóng được nông dân tiếp thu, ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Các nguyên tắc, chế độ quản lý theo Luật HTX được củng cố. Chế độ khoán quản đối với các đội, tổ dịch vụ, giữa tập thể với người lao động, khoán bảo toàn và tăng trưởng vốn, các nguyên tắc công khai, dân chủ được thực hiện thực chất hơn, góp phần giảm thiểu những thắc mắc, khiếu kiện, bảo đảm an ninh nông thôn. Đặc biệt do làm tốt các dịch vụ nên các HTXNNDV hầu như không phát sinh nợ đọng, các dịch vụ được thu dóc./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh
: Tất Thắc

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com