Nhờ phát triển nuôi thủy sản, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xóm 18, xã Giao Lạc có thu nhập thực tế gần 300 triệu đồng. |
Trước đây, trên địa bàn xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã có một số hộ nuôi thủy sản với con nuôi chủ yếu là tôm sú nhưng do quy mô nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên hiệu quả thấp. Trước tình hình đó, UBND xã đã tiến hành rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi thành hai khu riêng biệt gồm khu vực đầm phía trong đê biển và khu vực bãi bồi ven biển. Phía trong đê biển là khu đầm rộng gần 100ha được quy hoạch thành vùng nuôi ngao giống, thu hút khoảng 200 hộ tham gia. Tận dụng những đầm nuôi tôm sẵn có, các hộ cải tạo lại để nuôi ngao giống. Quy trình nuôi ngao được thực hiện theo phương pháp nuôi công nghiệp nên chỉ sau từ 3-5 tháng, ngao “cám” đã phát triển to bằng khuy áo mới chuyển sang khu nuôi thương phẩm hoặc xuất bán ra thị trường. Khu vực nuôi ngao thương phẩm là vùng bãi bồi rộng hơn 350ha nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đến nay, khu vực nuôi ngao thương phẩm đã thu hút trên 300 hộ tham gia, một số hộ có diện tích lớn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đã có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu như hộ các ông: Vũ Hải Đường, ở xóm 21 có 15ha, trong đó có 9ha nuôi ngao giống, 6ha nuôi ngao thương phẩm; Nguyễn Đoan Trang, xóm 7 có hơn 20ha nuôi ngao thương phẩm… có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Vùng nuôi ngao của xã đã tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương với thu nhập bình quân mỗi người 2 triệu đồng/tháng. Ngoài diện tích nuôi ngao, những năm qua, xã Giao Lạc còn chuyển đổi được gần 20ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở các xóm 4, 8, 9, 10, 21… sang nuôi thủy sản với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao như: ba ba xanh, cá diêu hồng, rô phi đơn tính, cá bống bớp… Riêng xóm 4 đã chuyển đổi được trên 4ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây cảnh. Khu chuyển đổi đã thu hút trên 20 hộ tham gia với mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích lớn, nuôi các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao đã đạt mức thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Mai Thế Chính, xóm 18; Nguyễn Văn Tuyên, xóm 18; Trần Văn Tòng, xóm 4; bà Trần Thị Hương, xóm 19… Gia đình ông Trần Văn Tòng chuyển đổi 8 sào ruộng trũng sang nuôi ba ba. Ông đã đầu tư trên 400 triệu đồng để xây 4 ao nuôi, hệ thống thoát nước, bờ thoải và hố cát, tạo môi trường thuận lợi cho ba ba sinh trưởng, phát triển. Trung bình một năm, gia đình ông xuất bán 1 tấn ba ba thương phẩm và 4.000 con ba ba giống, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Trên diện tích 1,8ha tại cánh đồng xóm 18, anh Nguyễn Văn Tuyên đã đầu tư kinh phí cải tạo thành 6 ao nuôi cá truyền thống và sản xuất cá giống với tổng diện tích mặt nước gần 1ha. Diện tích còn lại để cấy lúa và duy trì đàn vịt hơn 1.000 con. Hằng năm anh xuất bán được gần 5 tấn cá thịt, từ 7-10 tấn cá giống. Từ năm 2010, anh cải tạo 1 ao để nuôi ba ba thương phẩm, mỗi lứa thả 1.000 con ba ba giống, tỷ lệ sống đạt 70-75%. Hiện tại, anh đang đầu tư trên 100 triệu đồng đào thêm 1 ao rộng gần 1.000m2 để mở rộng diện tích nuôi ba ba thương phẩm. Ngoài các hộ nuôi thuỷ sản, toàn xã có 50 tàu thuyền có công suất máy từ 8CV trở lên tham gia khai thác thuỷ hải sản, trên 10 hộ làm nghề sản xuất nước mắm, thu hút và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Năm 2011, tổng thu nhập của xã Giao Lạc đạt gần 110 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm được cải tạo, đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp./.
Bài và ảnh: Thành Trung