Trong bối cảnh giá vật tư tăng cao, nguồn vốn các công trình xây dựng bị thắt chặt, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng ở các khâu để duy trì sản xuất. Cty CP Thương mại Đức Lâm ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch tuynel đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2007, Cty đầu tư hơn 18 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel, công suất 15-20 triệu viên/năm trên diện tích 4,5ha. Để giảm bớt chi phí, tiết kiệm năng lượng đầu năm 2011, Cty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để cải tạo toàn bộ phần mái của nhà xưởng xếp gạch thô, thay thế hoàn toàn tấm lợp phibrô xi măng bằng tấm lợp nhựa PC trong suốt. Việc thay thế tấm lợp phibrô xi măng bằng tấm lợp nhựa PC trong suốt vừa đảm bảo được độ bền, không vỡ khi va chạm mạnh, tiết kiệm điện thắp sáng vừa tận dụng được ánh sáng mặt trời giúp gạch thô khô nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm thời gian nung ở các lò nung sấy. Cty còn lắp đặt hơn 100 quạt công nghiệp treo có gắn thiết bị tiết kiệm điện tại hệ thống nhà xưởng góp phần giảm 10-20% điện năng tiêu thụ (khoảng 50-60 triệu đồng/tháng) và đầu tư mua thêm 1 xe nâng để tăng năng suất lao động, giảm chi phí lao động. Ngoài ra, nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu đốt, Cty đã xây dựng đường ống truyền trực tiếp khí thải từ lò nung sang lò sấy. Dự kiến thời gian tới, Cty tiếp tục đầu tư hơn 200 triệu đồng lắp thiết bị biến tần vào 1 quạt khí thải, 1 quạt thu hồi khí nóng để sấy gạch nhằm điều chỉnh công suất của động cơ, giúp tiết kiệm từ 20-30% điện năng tiêu thụ, bảo vệ động cơ tốt hơn, giảm chi phí trong quá trình bảo dưỡng vận hành hệ thống máy móc.
Dây chuyền sản xuất gạch block và gạch terrazzo của Cty TNHH Hưng Hạnh, xã Lộc Hoà (TP Nam Định). |
Cty TNHH Hưng Hạnh, xã Lộc Hòa (TP Nam Định) đã đầu tư 3 dây chuyền sản xuất gạch block và gạch terrazzo tự động theo công nghệ của Ý, năng suất trung bình 100 viên/giờ, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Cty chuyên sản xuất các loại gạch lát. Cả 2 máy sản xuất gạch đều được lắp thiết bị tụ bù tiết kiệm điện để đảm bảo công suất tiêu thụ của máy đúng với công suất thực của nhà sản xuất. Cty thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact huỳnh quang để giảm thiểu điện năng tiêu thụ; xây dựng tường bao các khu nhà xưởng bằng vật liệu không nung nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay cho đèn thắp sáng. Đối với nguồn phế thải gạch block, terrazzo sai sót trong quá trình sản xuất, Cty tận dụng để làm nguồn nguyên liệu sản xuất bê tông bó vỉa hè. Anh Phạm Đình Hiến, Giám đốc Cty khẳng định: “Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên 6 tháng đầu năm 2012, Cty đã tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng, đảm bảo sản xuất ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động. Năm 2011, doanh thu của Cty đạt hơn 5 tỷ đồng”. Cty CP Bạch Đằng, từ đầu năm 2005 đã ứng dụng công nghệ xanh cho nhà máy tấm lợp amiăng với hệ thống tự động tuần hoàn tái sử dụng nước thải, giảm lượng nước sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu. Cty CP Bao bì xi măng Bút Sơn (TP Nam Định) đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy ép nhiệt hiện đại thay cho hệ thống máy ép bao bì PP, giấy từ công nghệ dán thủ công trước đây giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng thời xây dựng quy trình bố trí vận hành máy móc thiết bị không mang tính hoạt động liên tục tránh giờ cao điểm để tiết kiệm điện năng.
Bằng các biện pháp tiết kiệm năng lượng đồng bộ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo sản xuất ổn định. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sản xuất VLXD có thể trụ vững và phát triển trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay rất cần các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ về thuế, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thị trường tiêu thụ sản phẩm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn