Vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển làng nghề

07:06, 07/06/2012

Do tác động bởi tình trạng lạm phát, suy giảm kinh tế, nguồn vốn eo hẹp…, các làng nghề trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Song với sự giúp sức tích cực, hiệu quả từ các doanh nghiệp nên đến thời điểm này các làng nghề của tỉnh đều hoạt động ổn định.

Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Quốc Thư, xã Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Quốc Thư, xã Yên Tiến (Ý Yên) tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Xã Yên Tiến (Ý Yên) có trên 3.200 hộ làm nghề thì có tới 75% số hộ tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Để có đủ việc làm cho các hộ nhận gia công, 38 doanh nghiệp trong xã đã tích cực tìm kiếm thị trường mở rộng hợp tác để ký được nhiều hợp đồng kinh tế. Hàng thủ công mỹ nghệ của xã Yên Tiến được xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động có doanh thu cao, ổn định là Cty CP Tập đoàn Hoàng Mai, Cty Trường Giang, Cty Nam Tuyến, Cty TNHH Nam Hải, doanh nghiệp Thanh Hòa… Anh Lã Đình Bẩy, chủ doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển (Yên Tiến) cho biết: Người dân Yên Tiến không thiếu việc làm, thậm chí doanh nghiệp của tôi muốn mở rộng sản xuất phải sang các xã lân cận để tìm nguồn nhân lực. Khi đưa nghề về xã Yên Bình, doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển đã cử thợ giỏi về tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động. Hiện nay tại xã Yên Bình đã có gần 30 hộ sản xuất, nhiều người có thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Cũng tại huyện Ý Yên, gần 50 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cơ khí Đúc Ý Yên đã ký được các hợp đồng sản xuất các chi tiết các loại máy xây dựng phục vụ cho khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp trong hiệp hội tích cực đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để sản xuất các chi tiết phức tạp, đồng thời thực hiện phân chia công đoạn cho các hộ trong các làng nghề cùng sản xuất. Làng nghề Đồng Côi (Nam Trực) có trên 90% số hộ tham gia sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ thi công các công trình ngành điện, giao thông vận tải, xây dựng, đóng tàu và dân dụng. Nhiều năm qua làng nghề luôn sản xuất ổn định vì có nhiều doanh nghiệp đã tạo được "chữ tín" với bạn hàng, sản xuất được các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Các Cty TNHH Việt Thắng, Nam Định, Tiến Đạt, Anh Đạt… là đầu mối tạo việc làm cho các hộ làng nghề. Hiệp hội doanh nghiệp Đồng Côi cũng góp phần ổn định sản xuất của làng nghề do tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp và có sự hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Tại huyện Hải Hậu, nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ xã Hải Minh ngày càng phát triển theo sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong làng nghề. Từ chỗ nhận hàng về gia công, các doanh nghiệp trong làng nghề đã sản xuất được các mặt hàng có thương hiệu riêng. Bởi vậy đồ mộc mỹ nghệ của Hải Minh hiện nay đã bán ở nhiều tỉnh trong cả nước. Trên địa bàn xã có khoảng 20 doanh nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.

Làng nghề phát triển ổn định có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp nhưng để doanh nghiệp gắn bó với làng nghề, các hộ sản xuất của làng nghề cũng phải có trách nhiệm với doanh nghiệp. Trước năm 2009, Cty TNHH Mai Hoàng (Xuân Trường) tổ chức sản xuất các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu từ bèo tây, bẹ chuối, cói…, tạo việc làm thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn. Tuy nhiên nhiều lúc Cty cũng gặp khó khăn do sự thiếu hợp tác của người lao động. Vào thời điểm mùa vụ, các hộ đồng loạt "phá hợp đồng" không sản xuất bỏ đi làm các nghề khác có thu nhập cao hơn. Để giữ uy tín và thực hiện hợp đồng với bạn hàng, Cty đã phải trả công cao cho những người đến làm hoặc san sẻ hợp đồng cho các doanh nghiệp khác. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng, giá thành sản phẩm khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì thế từ năm 2010, Cty đã quyết định chuyển đổi sang ngành nghề khác. Không có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp nên phần đông các hộ đã bỏ nghề, gây lãng phí lao động và làng nghề không thể phát triển. Tương tự khi nghề khảm trứng đã hình thành ở xã Yên Hưng (Ý Yên) nhưng do có nhiều người không chú trọng đến việc nâng cao tay nghề, chạy theo những việc dễ làm nên nghề dần mai một.

Để làng nghề, doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người lao động rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các hộ sản xuất của làng nghề và giữa các hộ sản xuất của làng nghề với doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com