Trên địa bàn huyện Trực Ninh hiện có 259 doanh nghiệp tham gia sản xuất CN-TTCN, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề: dệt, sản xuất cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và đóng tàu. Để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, những năm qua, cùng với các chính sách ưu đãi về cho vay vốn, mặt bằng sản xuất, huyện Trực Ninh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH và CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ảnh minh họa/Internet. |
Là địa phương có nhiều làng nghề dệt truyền thống, huyện ưu tiên đầu tư cải tiến công nghệ dệt thông qua việc hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp làng nghề thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đồng thời tư vấn và thẩm định giúp các doanh nghiệp trong làng nghề lựa chọn công nghệ phù hợp. Tiêu biểu là việc hỗ trợ đổi mới quy trình dệt thủ công truyền thống sang sử dụng thiết bị công nghệ bán tự động, thay thế khung dệt khổ hẹp sang khung khổ rộng, tốc độ dệt nhanh, công suất tăng từ 6kg sợi lên 20kg sợi/ngày, tiết kiệm điện, chất lượng sản phẩm đều, đẹp hơn so với trước… Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh (CCN Thị trấn Cổ Lễ) là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi công nghệ dệt. Doanh nghiệp đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua 160 máy dệt khổ rộng, 10 máy dệt zăcka để dệt hàng chất lượng cao có in hoa trang trí, chữ nổi và logo của đơn vị đặt hàng trên sản phẩm khăn mặt, khăn tắm và khăn lau xuất khẩu…, đáp ứng yêu cầu của nhiều khách hàng. Sự đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc đã giúp doanh nghiệp sản xuất được nhiều loại khăn có kích cỡ khác nhau, đồng thời năng suất tăng gần 50% so với phương thức dệt truyền thống và cho sản phẩm đều, đẹp hơn so với trước. Hiện tại, Cty tạo việc làm cho gần 400 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả của việc đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ bán tự động của doanh nghiệp Lương Anh, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt trong huyện như doanh nghiệp tư nhân Việt Cường (Phương Định), cơ sở dệt khăn xuất khẩu Ngọc Trung (CCN Thị trấn Cổ Lễ), doanh nghiệp tư nhân dệt may Thuận Phượng (Trực Phú)… đã chuyển sang sử dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Bên cạnh việc tập trung đầu tư đổi mới công nghệ dệt, trong năm 2011, Hội đồng KHCN huyện Trực Ninh đã tổ chức giới thiệu công nghệ cho các doanh nghiệp và hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và cơ khí cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp (CCN Thị trấn Cổ Lễ) chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với công suất 120 nghìn sản phẩm/năm, thu hút 40 lao động. Được sự hỗ trợ của huyện, Cty đã áp dụng công nghệ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng lõi nhựa composit thay thế cho cốt tre, gỗ truyền thống. Anh Trần Văn Ngọc, Giám đốc Cty cho biết: Ưu điểm của công nghệ mới này là dễ tạo hình, ổn định về mặt kết cấu, không bị tác động bởi yếu tố thời tiết như ẩm mốc, co ngót, cong vênh, dễ vận chuyển và độ bắt màu tốt... nên có thể đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm với yêu cầu mỹ thuật cao, độ bền ổn định. Từ nguyên liệu cốt nhựa composit, người thợ có thể trang trí bằng cách quấn mây, quấn nhôm, dán gỗ, thết bạc hay phun sơn để hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, hiện nay Cty đã đạt công suất 200 nghìn sản phẩm/năm, có hàng xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, có thu nhập hơn 30 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh (CCN Thị trấn Cổ Lễ) chuyên đúc phôi thép cung ứng cho các làng nghề cơ khí trong toàn quốc, đã thành công với việc đầu tư lò đúc kỹ thuật số tiên tiến của Mỹ. Áp dụng công nghệ đúc kỹ thuật số, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu từ 25-27% so với trước đây..., các chỉ số tác động đến môi trường và người lao động trực tiếp như lượng khí thải, nhiệt lượng, tiếng ồn đã giảm tối đa. Với mức đầu tư trên 10 tỷ đồng cho 4 lò đúc kỹ thuật số, cộng với các chuyên gia kỹ thuật cao và đội ngũ công nhân lành nghề có trình độ từ trung cấp trở lên, mỗi năm, Cty cung ứng ra thị trường trên 2.000 tấn phôi thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện tại, Cty đang mở rộng sản xuất sang khu xưởng thứ 2, nâng tổng diện tích sử dụng lên gần 34 nghìn m2.
Những năm qua, các doanh nghiệp trong huyện đã dành 25-30 tỷ đồng mỗi năm, để đổi mới thiết bị, công nghệ góp phần đưa giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện luôn tăng trưởng cao. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.670 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 19%/năm, chiếm 40% cơ cấu kinh tế của huyện./.
Nguyễn Hương