Cuối năm 1957, Ban Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Ty Công thương Nam Định được thành lập, là tổ chức QLTT đầu tiên của tỉnh. Nhiệm vụ của Ban QLTT tỉnh lúc này là cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư doanh trong việc xây dựng hệ thống thương nghiệp XHCN, tiến hành đăng ký kinh doanh, đấu tranh chống đầu cơ, tích trữ, kinh doanh trái phép. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng QLTT tỉnh đã góp phần cùng ngành thương mại đảm đương vai trò “nội trợ của xã hội” và “hậu cần” quân đội. Đất nước thống nhất, nhiều cán bộ QLTT của tỉnh đã được điều động vào miền Nam để tiếp quản và xây dựng mạng lưới thương mại, tổ chức tốt việc mua bán, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ và tình trạng hỗn loạn về giá cả hàng hoá trên thị trường. Năm 1978, Đảng và Nhà nước ta đã cải cách về cơ chế quản lý kinh tế, tạo sự thông thoáng trong sản xuất và lưu thông hàng hoá trong phạm vi cả nước, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc trên thị trường. Hoạt động lưu thông hàng hoá đã được thông suốt với nhiều thành phần tham gia, giá cả ổn định, hàng hoá trên thị trường đa dạng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và phục vụ phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh đồ điện, điện tử. Ảnh: Nguyễn Hương |
Thực hiện Nghị định 10/CP ngày 23-1-1995 của Chính phủ về tổ chức quyền hạn QLTT, tháng 1-1996, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Chi cục QLTT tỉnh trên cơ sở Đội QLTT tỉnh trực thuộc Sở Thương mại và các đội QLTT trực thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố. Hoạt động của lực lượng QLTT tập trung chủ yếu vào công tác chống các hành vi kinh doanh trái phép, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống sản xuất buôn bán hàng giả; đặc biệt là thực hiện chương trình cải cách hành chính, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra sâu theo chuyên đề như: Phối hợp với ngành NN và PTNT kiểm tra chất lượng giống cây trồng, con nuôi và vật tư nông nghiệp…, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống các loại dịch bệnh. Phối hợp với ngành Văn hóa thông tin kiểm tra các mặt hàng văn hóa phẩm và dịch vụ văn hóa phẩm. Phối hợp với ngành Y tế kiểm tra chất lượng và việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong kinh doanh thuốc và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với các ngành KH và CN, Công an, Tài chính, Ngân hàng kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, vàng bạc, ngoại tệ và các mặt hàng thiết yếu khác…
Trong 15 năm (1997-2012), Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra kiểm soát trên 60 nghìn lượt, xử lý vi phạm hành chính trên 10.000 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 12 tỷ đồng; tổ chức tiêu hủy một lượng lớn hàng giả với giá trị tương đương hàng thật gần 5 tỷ đồng; qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời thiết thực triển khai chương trình phát triển thương mại - du lịch…
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, Chi cục QLTT tỉnh đã thường xuyên củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất, đạo đức, trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, Chi cục QLTT có gần 70 cán bộ công chức, trong đó có hơn 50% có trình độ đại học, nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, xứng đáng là người “lính gác trên thương trường”. Với truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng QLTT đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 1997 đến nay, 115 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác được UBND tỉnh, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo 127/TW, Tổng LĐLĐ tặng Bằng khen. Các năm 2006 và 2010 Chi cục QLTT được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2008, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Giai đoạn hiện nay trong điều kiện hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, diễn biến thị trường phức tạp, hầu hết các mặt hàng cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa được sản xuất trong nước bị các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn với công nghệ, thiết bị hiện đại và thay đổi quy luật tiêu dùng của thị trường… để đánh lừa các ngành chức năng và người tiêu dùng, trục lợi bất chính. Trước thực trạng đó, Chi cục QLTT tỉnh không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị để đạt được mục tiêu xây dựng thị trường phát triển lành mạnh, trong thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính phát triển. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường chống hàng giả, gian lận thương mại; bảo vệ thương hiệu hàng hóa và quản lý các mặt hàng cấm, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các mặt hàng hạn chế kinh doanh, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển./.
Đỗ Đức Dương
Phó Giám đốc Sở Công thương,
Chi cục trưởng
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh