Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

07:06, 19/06/2012

Gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta có sự chuyển biến mới. Mặc dù tổng đàn có giảm, nhưng tổng trọng lượng thịt xuất chuồng và giá trị tổng sản lượng chăn nuôi tăng theo từng năm. Tuy nhiên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng liên tục xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và tính bền vững của ngành chăn nuôi. Năm 2011 dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 huyện (Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên) phải tiêu hủy 8.593 con; dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 5 huyện (Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Ý Yên) làm 149 con trâu, bò bị mắc bệnh. 5 tháng đầu năm 2012, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 2 xã của Ý Yên đã phải tiêu hủy 3.460 con gia cầm; dịch LMLM xảy ra tại 6 huyện (Ý Yên, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thủy) làm 116 con trâu, bò mắc bệnh; dịch lợn tai xanh ở Ý Yên phải tiêu hủy 250 con với tổng trọng lượng 8.232,5kg. Hiện tại nguồn dịch bệnh như vi rút cúm gia cầm, LMLM, tai xanh… vẫn tồn tại ngoài môi trường, thậm chí trong cả vật nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát và lây lan thành dịch. Ngoài nguồn bệnh tại chỗ thì công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát gia súc, gia cầm từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh để giết mổ hoặc nuôi tiếp cũng có thể tạo ra mầm bệnh và lây lan.

Cán bộ thú y tiêm vắcxin phòng bệnh tai xanh trên đàn lợn của xã Yên Khánh (Ý Yên).
Cán bộ thú y tiêm vắcxin phòng bệnh tai xanh trên đàn lợn của xã Yên Khánh (Ý Yên).

Về điều kiện chăn nuôi, ngoài một số trang trại, gia trại được quy hoạch ở các vùng chuyển đổi tập trung, hầu hết các hộ vẫn tận dụng làm chuồng trại ngay trong khuôn viên gia đình để chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Do chăn nuôi trong điều kiện chật hẹp, chuồng trại tận dụng hoặc xây dựng tạm bợ (thấp, nóng, chật, liền với bếp…) không những khó làm vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mà nước rửa sinh hoạt từ bếp với thực phẩm ở chợ chưa được kiểm dịch…, dịch bệnh cũng sẽ phát sinh lây lan trong đàn vật nuôi. Do chăn nuôi nhỏ, vốn ít, nhiều hộ nhập giống không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, không nuôi cách ly trước khi đưa vào khu vực chăn nuôi chung nên lây nhiễm bệnh dịch là không tránh khỏi. Nhiều hộ, khi thấy lợn bị bệnh đã chữa chạy không báo cáo với chính quyền, với thú y cơ sở, thậm chí bán chạy lợn ốm, dịch… làm tăng sự lây lan. Hiện tượng lợn bị dịch tai xanh ở Yên Khánh (Ý Yên) đầu tháng 4-2012, khi thú y phát hiện ra bệnh thì đã qua hàng chục ngày kể từ khi đàn đầu tiên bị mắc. Việc khoanh vùng dập dịch gấp như cứu hỏa nhưng kinh phí của xã khó khăn… tất cả trông chờ thuốc sát trùng của Trung ương, của tỉnh. Xã xảy ra dịch thành lập chốt kiểm dịch, song các xã lân cận, vùng bị uy hiếp cũng chỉ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo chỉ đạo, không thành lập chốt kiểm dịch ngăn chặn lợn ốm và thịt lợn ở vùng có dịch vào địa phương (!). Việc tiêm vắc xin bắt buộc cho vật nuôi mỗi năm 2 lần vào vụ xuân và vụ thu nhưng tỷ lệ tiêm đạt thấp. Năm 2011, vụ xuân toàn tỉnh tiêm 117.338 con lợn (đạt 40,5% kế hoạch), tiêm vắc xin LMLM cho 26.248 con trâu bò (đạt 68,1% kế hoạch); vụ thu tiêm 138.212 con lợn (đạt 49,4% kế hoạch), LMLM cho 23.268 con trâu, bò (đạt 70,5% kế hoạch). Vụ xuân năm 2012, toàn tỉnh tiêm cho 229.525 con lợn (đạt 38,6% kế hoạch), LMLM cho 28.349 con trâu, bò (đạt 77% kế hoạch). Qua số liệu thống kê, những năm qua tỉnh ta tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đạt kế hoạch mặc dù trước khi tiêm phòng thú y địa phương đã tổ chức kiểm đếm (trừ số xuất chuồng, trừ diện chưa phải tiêm) cụ thể. Trách nhiệm này không ai khác ngoài hộ chăn nuôi và chính quyền địa phương. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y thì nếu các địa phương chỉ đạo tích cực, tổ chức tiêm phòng triệt để, các hộ chăn nuôi thực hiện đúng Pháp lệnh Thú y về tiêm vắc xin phòng các bệnh tả, tụ huyết trùng cho lợn, LMLM cho trâu bò và lợn nái ngoại, lợn đực giống… thì dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc sẽ ít có điều kiện phát sinh và lây lan thành dịch lớn. Thực tế ở các trang trại chăn nuôi lớn, tập trung của tỉnh do tiêm phòng đầy đủ, chế độ vệ sinh khử trùng tiêu độc tiến hành thường xuyên, chế độ dinh dưỡng bảo đảm theo từng giai đoạn nuôi và chuồng trại quy chuẩn hóa… nên nhiều năm gần đây không xảy ra dịch.

Tổ chức chăn nuôi phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com